Tin tức thị trường

CÁC NƯỚC TÌM CÁCH ỨNG PHÓ SAU KHI MỸ GIA TĂNG ÁP LỰC THUẾ QUAN

Ngày 17/07/2025

Các nền kinh tế Đông Nam Á đang nỗ lực chuẩn bị đẩy mạnh các cuộc đàm phán thương mại với Washington sau khi bị áp dụng mức thuế quan cao từ phía Mỹ.

Mức thuế đối ứng cứng rắn với nhiều nước ASEAN, châu Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải những bức thư gần như giống hệt nhau trên mạng xã hội Truth Social gửi Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung, tuyên bố áp mức "thuế chỉ 25%" đối với tất cả hàng nhập khẩu bắt đầu từ ngày 1/8. Ông cho rằng quan hệ kinh tế với Tokyo và Seoul "đáng tiếc là từ trước đến nay không mang tính đối ứng". "Chúng tôi quyết định tiếp tục hợp tác với các bạn, nhưng chỉ với một thương mại cân bằng và công bằng hơn", ông Trump viết. "Chúng tôi mời các bạn tham gia vào nền kinh tế phi thường của Mỹ, thị trường số một thế giới, vượt xa phần còn lại". Đồng thời cảnh báo có thể sẽ áp thêm 25% nữa nếu Nhật Bản hoặc Hàn Quốc đáp trả bằng cách tăng thuế của họ.

Ông Trump cũng áp mức thuế 25% lên hàng hóa từ Kazakhstan, Malaysia và Tunisia. Các mức thuế cao hơn sẽ được áp cho hàng nhập khẩu từ Nam Phi và Bosnia & Herzegovina (30%), Indonesia (32%), Serbia và Bangladesh (35%), Thái Lan và Campuchia (36%), cùng với Lào và Myanmar (40%).

14 nước đã được ông Trump thông báo các mức thuế riêng trong ngày 7/7. Động thái này diễn ra ngay trước thời hạn 0h01 ngày 9/7 - thời điểm các quốc gia phải đạt thỏa thuận nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bị áp mức thuế cao hơn. Ngày 9/7 đánh dấu kết thúc giai đoạn tạm ngưng các mức thuế đối ứng đã được áp dụng từ tháng 4. Kể từ đó, các nước bị ảnh hưởng đã phải chịu mức thuế tối thiểu 10%.

Trong tất cả 14 bức thư, ông Trump đều dọa sẽ tăng thuế cao hơn mức đã công bố nếu quốc gia đó áp thuế trả đũa Mỹ. Ông khẳng định các mức thuế mới này sẽ là "riêng biệt với mọi mức thuế theo ngành", nghĩa là, ví dụ, mức thuế mới sẽ không cộng dồn với thuế ôtô hiện tại là 25%. Điều này cũng áp dụng cho bất kỳ thuế ngành hàng nào có thể áp dụng trong tương lai, theo một quan chức Nhà Trắng.

Tổng cộng, Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 465 tỉ USD từ 14 quốc gia nhận thư trong năm ngoái, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc - lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ sáu và thứ bảy của Mỹ - chiếm tới 60% tổng số đó, với 280 tỉ USD hàng hóa xuất sang Mỹ trong năm qua.

Ông Trump đã lập luận rằng thuế quan giúp sửa chữa tình trạng thâm hụt thương mại không công bằng. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng chính sách này sẽ khiến giá cả trong nước Mỹ tăng và làm tổn hại nền kinh tế. Vòng đánh thuế đầu tiên được đưa ra vào ngày 2/4 với gói gọi là "Ngày Giải phóng", bao gồm mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và các mức cao hơn đối với Trung Quốc, Mexico, Canada và EU. Một số mức thuế đã được tạm hoãn 90 ngày để dành thời gian đàm phán, tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Đầu tháng này, ông Trump tuyên bố Mỹ áp thuế nếu không đạt được thỏa thuận. "Đến ngày 9 thì họ sẽ bị đánh thuế toàn bộ", ông nói với phóng viên hôm 4/7. "Các mức thuế sẽ dao động từ 10%, 20% cho đến có thể 60%, 70%".

Lo sợ về thuế quan, tăng tốc thúc đẩy đàm phán

Các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã chuẩn bị để đẩy mạnh các cuộc đàm phán thương mại với Washington sau khi nước này áp dụng mức thuế quan cao, bất chấp một loạt các đề nghị cuối cùng nhằm tăng cường nhập khẩu và cắt giảm thuế đối với hàng hóa của Mỹ.

Các quốc gia trong khu vực nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức thuế quan sâu rộng của Tổng thống Donald Trump, vì họ phụ thuộc vào xuất khẩu và sản xuất để thúc đẩy nền kinh tế có tổng giá trị hơn 3,8 nghìn tỷ USD, một số được hỗ trợ bởi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Thuế suất không đổi, với mức thuế 32% đối với Indonesia và 36% đối với Thái Lan kể từ ngày 1/8 đã bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm tăng cường các đề xuất như lời hứa tăng cường mua hàng hóa của Mỹ và xóa bỏ thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.

Chi tiết về phạm vi áp thuế vẫn chưa rõ ràng ngay lập tức. Malaysia, một nước xuất khẩu chính về chất bán dẫn và điện tử, phải đối mặt với mức thuế 25%, tăng từ mức 24% được đe dọa vào tháng 4, trước khi ông Trump tuyên bố tạm dừng trong 90 ngày.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira, người đã đưa ra đề xuất với các quan chức Mỹ sau chuyến thăm Washington tuần trước cho biết ông "hơi sốc" trước mức thuế 36% của nước mình, nhưng sẵn sàng cung cấp nhiều hơn cho thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình.

"Mỹ chưa xem xét đề xuất mới nhất của chúng tôi", ông nói trong bài đăng trên X. "Chúng tôi sẽ tìm thêm nhiều biện pháp và giải pháp hơn. Vì vậy, hãy tự tin rằng chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, để Thái Lan có thể nhận được lời đề nghị tốt nhất có thể", ông nhấn mạnh thêm.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cho biết, nhà đàm phán hàng đầu của nước này là Airlangga Hartarto đang trên đường đến Washington từ hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tại Brazil và sẽ ngay lập tức hội đàm với các quan chức Mỹ. "Vẫn còn chỗ cho các cuộc đàm phán. Chính phủ Indonesia đang tối đa hóa các cơ hội đàm phán đó", Haryo Limanseto, người phát ngôn điều phối các vấn đề kinh tế cho biết.

Nền kinh tế G20 Indonesia đã đưa ra một loạt nhượng bộ cho Washington ngay từ đầu các cuộc đàm phán, cùng với các đề xuất thúc đẩy đầu tư vào Mỹ. Gần đây, nước này đã đưa ra một loạt lời đề nghị mua thêm năng lượng, hàng hóa và máy bay từ các công ty Mỹ trong một thỏa thuận có thể lên tới 34 tỷ USD. Tuy nhiên, mức thuế quan này vẫn có thể gây tốn kém cho quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, nơi cung cấp khoảng 85% lượng dầu ăn nhập khẩu của Mỹ.

Hadi Sugeng, Tổng thư ký Hiệp hội dầu cọ Indonesia cho rằng, các chuyến hàng xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm 15% - 20% do thuế quan và khiến Indonesia mất thị phần vào tay đối thủ Malaysia, cũng như các loại dầu thực vật khác.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, cũng có thể bị giảm 20% nhu cầu từ thị trường Mỹ. 

Một trong số ít nước hưởng lợi trong khu vực kể từ ngày 2/ 4 là Campuchia, với mức thuế quan giảm từ 49% xuống còn 36% sau các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm bảo vệ ngành may mặc và giày dép quan trọng của nước này.

Bộ Thương mại Malaysia cho biết, nước này đang tiếp tục nỗ lực đàm phán và làm rõ phạm vi áp dụng thuế quan. Đồng thời nhấn mạnh thêm: "Malaysia cam kết tiếp tục hợp tác với Mỹ hướng tới một thỏa thuận thương mại cân bằng, cùng có lợi và toàn diện".

Nguồn: VTV Online

iconbx
arrow-topw