Trong năm 2022, chuỗi cung ứng toàn cầu bị tác động bởi khủng hoảng chính trị ở Ukraine, tình trạng thiếu tài xế xe tải, tắc nghẽn cảng và mất cân đối lượng container vận chuyển toàn cầu.
Khảo sát mới nhất của Gartner, công ty tư vấn có trụ sở tại Mỹ chỉ ra, 76% giám đốc điều hành chuỗi cung ứng nhận định doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thường xuyên hơn so với trước đại dịch. Đồng thời, sự gia tăng thời gian vận chuyển giữa Trung Quốc và các cảng lớn tại Mỹ và châu Âu cũng tăng gấp 4 lần kể từ tháng 3/2022. Để đưa ra dự báo về chuỗi cung ứng trong năm 2023, các chuyên gia chỉ ra những xu hướng chính.
Tắc nghẽn cảng và đường sắt sẽ giảm bớt
Lượng hàng tồn kho lớn do gián đoạn của đại dịch đã gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng và đường sắt ở Mỹ. Tuy nhiên, vào cuối tháng 11/2022, lần đầu ghi nhận không còn tình trạng kẹt cứng ngoài khơi bờ biển California kể từ 10/2020. Theo đó, tỷ lệ tắc nghẽn cảng đã giảm khoảng 60%.
Các chuyên gia cho rằng, việc giảm nhu cầu với hàng hóa sẽ tiếp diễn đến quý 2/2023 có thể khiến tình trạng tắc nghẽn giữa bến cảng và đường ray sẽ tiếp tục được giảm bớt.
Sức chứa kho ở mức eo hẹp
Tại Mỹ, trong tuần cuối tháng 11/2022, doanh số bán hàng qua mạng đạt kỷ lục tuy nhiên, số lượt ghé thăm trung tâm mua sắm giảm khoảng 2,3%. Điều này khiến lượng hàng dư thừa, tồn kho vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, các báo cáo thị trường chỉ ra, diện tích kho bãi trống trong năm 2023 sẽ tiếp tục trong tình trạng thiếu hụt. Tỷ lệ kho bãi trống trong ngành công nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức 3,25%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm, khoảng 4,7%.
Giá vận chuyển tiếp tục giảm
Do lượng hàng tồn kho cao và niềm tin của người tiêu dùng thấp do lạm phát, các đơn vị nhập khẩu đã hạn chế lượng đơn đặt hàng ở nước ngoài. Điều này làm giảm chi phí vận chuyển đường biển, đường bộ.
Theo dự báo từ Container xChange, nền tảng hậu cần container của Đức, giá container đặc biệt cao trong nửa đầu năm 2022 nhưng sau đó giảm mạnh vào nửa cuối năm và xu hướng này có thể kéo dài sang năm mới. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ tình trạng dư thừa container khiến nhiều hãng tàu giảm công suất và tạm dừng dịch vụ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, giá vận chuyển sẽ ổn định trở lại sau khi các hãng vận tải điều chỉnh lượng tàu đóng hiện tại và trang bị các tàu phù hợp với tiêu chuẩn khí thải mới. Cả hai kịch bản sẽ tác động đến lượng cung trên thị trường và giúp ổn định giá vận chuyển. Giá cước vận tải biển đi hướng đông xuyên Thái Bình Dương sẽ được khôi phục hoàn toàn về mức trước đại dịch vào tháng 4 do nhu cầu giảm thường thấy trong quý I.
Chuỗi cung ứng đã gặp một số thách thức vào năm 2022, dù khó đạt được mức bình thường hóa như hồi 2019 nhưng vẫn có thể cải thiện ổn định vào 2023. Trước đó, hồi tháng 10, Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm. Đồng thời, tốc độ giao hàng cũng được các chuyên gia đánh giá ở mức nhanh hơn các tháng trước.
Nguồn: Báo VnExpress