Tin tức thị trường

Bộ Tài chính phản hồi về việc sửa đổi biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

asl-corp.com.vn –  Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng hợp giải trình tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp về dự án Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

 
Bộ Tài chính phản hồi về việc sửa đổi biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi
Bộ Tài chính sẽ tiếp thu và hoàn hiện dự thảo Nghị định sửa đổi về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Ảnh: Thái Bình.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định đảm bảo phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ Tài chính cũng đã tiếp thu ý kiến và hoàn thiện tờ trình Chính phủ, xây dựng báo cáo đánh giá tác động của việc điều chỉnh quy định tại dự thảo Nghị định đối với giá sản phẩm, tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực liên quan.

Bộ Tài chính cho biết, nội dung sửa đổi Nghị định lần này chủ yếu để tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP và Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ trong việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) một số mặt hàng có giá tăng cao thời gian qua (như: sắt thép, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi...); mức thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng tài nguyên, khoáng sản (đá, sản phẩm làm bằng đá...) để hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô chưa qua chế biến; một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn và bối cảnh mới trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát mạnh...

Đáng chú ý, trước ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đề nghị ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 122/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho rằng việc ban hành Nghị định thay thế sẽ phải ban hành lại toàn bộ Biểu thuế MFN (gồm hơn 10.000 dòng thuế) nên cần phải có thời gian hơn để nghiên cứu, xây dựng và sẽ không đáp ứng yêu cầu cấp bách của các Nghị quyết nêu trên.

Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn hiện dự thảo Nghị định. Đồng thời Bộ Tài chính đã xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế suất của từng mặt hàng, đảm bảo hài hoà lợi ích theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc điều chỉnh các mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của các mặt hàng dự kiến điều chỉnh đã được rà soát trong mối tương quan với các mức thuế suất FTA, tạo dư địa đàm phán cần thiết cho tương lai. Đồng thời việc chi tiết các dòng thuế đã bảo đảm tuân thủ theo Danh mục hài hòa mô tả và mã số hàng hóa xuất nhập khẩu ASEAN (AHTN).

Bộ Tài chính cũng lý giải thêm, về việc rà soát các mặt hàng có thuế MFN chênh lệch lớn so với các FTA và các mặt hàng phía Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm, năm 2020 khi ban hành Nghị định số 57/2002/NĐ-CP, Chính phủ cũng đã đồng ý giảm thuế nhập khẩu MFN đối với 11 nhóm hàng, trong đó có mặt hàng ô tô. Đồng thời hiện nay Bộ Tài chính chỉ nhận được kiến nghị của Hoa Kỳ liên quan đến mặt hàng như: ngô, lúa mỳ...

Về kiến nghị đối với các mặt hàng Việt Nam cam kết trần thuế xuất khẩu trong WTO thì không được tăng thuế vượt mức trần đã cam kết, Bộ Tài chính cho biết, trong WTO, Việt Nam chỉ có cam kết trần thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phế liệu kim loại (cao nhất 22%) và tại dự thảo Nghị định không điều chỉnh thuế xuất khẩu nhóm phế liệu kim loại mà chỉ điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với một số nhóm hàng tài nguyên, khoáng sản nên không vi phạm cam kết của WTO.

Về ý kiến hàng hoá xuất sang CPTPP hoặc EU nhưng lại đưa sang nơi khác để tận dụng thuế xuất khẩu thấp thì Bộ Tài chính cho rằng không chỉ thuế xuất khẩu mà thuế nhập khẩu chênh lệch giữa các FTA cũng sẽ tạo nên việc dịch chuyển luồng thương mại hoặc gian lận xuất xứ để tận dụng các lợi thế về thuế trong các Hiệp định thương mại.

Cùng với đó, các Hiệp định FTA được ký kết nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại quốc tế và tạo sự khác biệt giữa các quốc gia tham gia hiệp định và các nước khác để tạo lợi thế và tăng cường giao thương giữa các quốc gia ký hiệp định nên luôn có sự chênh lệch về thuế suất.

Ngoài ra, quy định đối với hàng khoá xuất khẩu vào các quốc gia thành viên của CPTPP khá chặt chẽ, tại Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA cũng quy định cụ thể đối với trường hợp hàng nhập khẩu vào các nước này rồi tái xuất sang quốc gia khác không thuộc thành viên của Hiệp định để tránh việc lợi dụng xuất xứ hưởng lợi.

Theo Haiquanonline.com.vn

Quý doanh nghiệp cần tư vấn và hỗ trợ về các thủ tục khải quan và dịch vụ khai thuê hải quan của ASL Logistics, quý doanh nghiệp điền vào form tư vấn hoặc liên hệ hotline (+84 28) 35 129 759, các chuyên viên của ASL Logistics sẽ sớm liên hệ với quý doanh nghiệp để tư vấn chi tiết.

Head Office: AMERASIAN SHIPPING LOGISTICS CORP.

Địa chỉ : 31/34A đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh

Điện thoại: (+84 28) 35129759

Fax: (+84 28) 35129758

Email: sales2@asl-corp.com.vn; Website: www.asl-corp.com.vn

 

iconbx
arrow-topw