Tin tức thị trường

CHÍNH PHỦ ĐỀ NGHỊ TP. HỒ CHÍ MINH XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH PHÍ HẠ TẦNG CẢNG BIỂN TRONG THÁNG 7/2022

Ngày 08/06/2022

Kết luận tại cuộc họp về phí hạ tầng cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, các cơ quan, sớm trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét điều chỉnh trong tháng 7 năm 2022…


Các bộ ngành và cơ quan đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý một số nội dung về mức thu, đối tượng thu phí hạ tầng cảng biển

Ngày 8/6, Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/5.

Kết luận nêu rõ Nghị quyết quy định mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển) để cụ thể hóa pháp luật về phí, lệ phí và hoàn thiện hệ thống khung pháp lý của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là đúng thẩm quyền.

Mặc dù, Thành phố Hồ Chí Minh đã 2 lần lùi thời điểm để triển khai thu phí hạ tầng cảng biển và bắt đầu thu phí từ ngày 1/4/2022 nhưng giai đoạn hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 và tác động bởi nhiều yếu tố khác trong nước và thế giới. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội có kiến nghị về việc thu phí hạ tầng cảng biển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, các bộ ngành và cơ quan đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý một số nội dung về mức thu, đối tượng thu phí hạ tầng cảng biển như:

Đó là, thứ nhất, việc quy định mức thu phí khác nhau đối với hàng hóa mở tờ khai tại Thành phố Hồ Chí Minh và hàng hóa mở tờ khai tại địa phương khác cần đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định Luật Phí và Lệ phí;

Thứ hai, rà soát mức thu của hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu;

Thứ ba, rà soát sự phù hợp với các cảm kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về vận tải đường thủy;

Thứ tư, xem xét điều chỉnh mức thu phí hợp lý đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa theo Chỉ thị số 37/CT-TTG ngày 19/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Bộ, các cơ quan, sớm trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét điều chỉnh trong tháng 7/2022; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích đến doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan hữu quan để tạo sự đồng thuận khi thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình tổ chức điều chỉnh thu phí hạ tầng cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

THÔNG TIN LIÊN QUAN:

Trước đó, 5 hiệp hội doanh nghiệp liên quan đường thủy nội địa gồm Hiệp hội chủ hàng Việt Nam (VNSC), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Đại lý, môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA) và Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam đã nhiều lần gửi văn bản đến các CQQLNN liên quan về đề xuất không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.

Theo các hiệp hội này, TP Hải phòng (từ năm 2017 đến nay) và TP Hồ Chí Minh (từ ngày 1/4/2022 đến nay) thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển) không đúng đối tượng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa, vì hàng hóa được vận tải bằng phương tiện đường thủy nội địa không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối đến cảng biển.

Các hiệp hội này cho rằng, việc thu phí là đúng thẩm quyền của HĐND TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh nhưng gây ra nhiều hệ quả. Theo đó, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vận tải đường thủy nội địa và lợi ích của quốc gia. Không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển, giảm khí thải carbon vào môi trường theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.

Theo VnEconomy