Ngày 16/04/2024
Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, 2 tháng đầu năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 15,2 tỷ USD tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ là một trong những thị trường quan trọng trong xuất khẩu nông sản Việt Nam
Vị thế mới của nông sản Việt tại Mỹ
Hợp tác nông nghiệp Việt - Mỹ đã có bước tiến vượt bậc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Việt Nam từ chỗ đứng thứ 95 trong các đối tác của Mỹ, nay đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương năm 2022 gần 123 tỷ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt 100 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Các chuyên gia cho biết, nhu cầu thưởng thức những loại nông sản, trái cây chất lượng cao từ vùng nhiệt đới của người Mỹ đang tăng lên, người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa thích các loại trái cây đặc sản Việt Nam như trái vải tươi, thanh long, xoài. Gần đây nhất, trái bưởi đã được Mỹ cho phép nhập khẩu chính thức, đưa Việt Nam có 7 loại quả tươi được xuất đi Mỹ.
Người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa thích các loại trái cây chất lượng cao từ vùng nhiệt đới của Việt Nam như trái vải tươi, thanh long, xoài.
Tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích cụ thể, dài hạn, tạo sức hấp dẫn đồng thời đề nghị các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN và các doanh nghiệp Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Jason Hafemeiser, quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ trước đó đã nhiều lần khẳng định, Mỹ luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu về nông nghiệp. Nông nghiệp hai nước có tính bổ trợ cho nhau để cùng phát triển, theo đó, việc mở cửa cho trái cây của Việt Nam đang được thúc đẩy tích cực.
Nhiều cơ hội cho nông sản Việt
Theo bà Nguyễn Thị Kim Huyền (Jolie Nguyễn), CEO LNS Group, trong quá trình “thực chiến” làm việc và phân phối sản phẩm tại Mỹ, bà nhận thấy đây vẫn luôn là quốc gia còn nhiều tiềm năng lớn đặc biệt là nông sản Việt Nam.
Nhận định về cơ hội cho doanh nghiệp Việt hướng đến thị trường hơn 340 triệu dân, bà Jolie Nguyễn cho rằng với số lượng kiều bào đông đảo, cùng với nhiều hệ thống siêu thị Việt, siêu thị châu Á đã tạo ra nhiều tiềm năng cho sản phẩm Việt.
Bên cạnh đó, hiện cộng đồng người Mỹ La tinh đang dần có thói quen tiêu dùng tương tự như người Việt, họ dần yêu thích những sản phẩm đến từ Việt Nam như trái cây, hải sản,…những sản phẩm có nét đặc trưng riêng của Việt Nam khó tìm thấy ở quốc gia khác. Nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu... nhưng Mỹ không có thế mạnh để sản xuất.
Tuy nhiên, theo bà Jolie Nguyễn, doanh nghiệp Việt vẫn không thể tránh khỏi những thách thức từ thị trường mà nhiều quốc gia trên thế giới đều nhắm đến này. Đơn cử, giá cước vận chuyển sau Covid-19 đang tăng cao, đẩy giá hàng hóa, sản phẩm Việt tăng gây nên những sức ép cạnh tranh về giá cả so với các nước trong khu vực Nam Mỹ.
Ngoài ra, hiện nay quy mô của nhiều doanh nghiệp vẫn nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất thô với số lượng ít, khiến cho việc đáp ứng dài hạn, đảm bảo cung cấp những sản phẩm có chất lượng vẫn chưa cao. Đồng thời, những quy định về kiểm duyệt sản phẩm cũng như cách đóng gói bao bì tại thị trường Mỹ tương đối khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân tủ nghiêm ngặt.
“Mỹ là thị trường lớn và rộng mở, để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này vừa “khó” nhưng cũng vừa “dễ”. Doanh nghiệp cần chủ động tận dụng, nắm bắt những cơ hội bằng cách hiểu rõ quy trình, quy định kiểm duyệt sản phẩm và khi có được cơ hội cần cẩn trọng, giữ vững uy tín trong chất lượng sản phẩm”, bà Jolie Nguyễn cho biết thêm.
Giá xuất khẩu cần cạnh tranh hơn
Chi phí sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng tăng cao do áp lực của giá xăng dầu và chuỗi cung ứng, đặc biệt là việc đầu tư quy trình sản xuất xanh, giảm phát thải theo yêu cầu từ các nhà mua hàng tại Mỹ, EU cũng đặt các doanh nghiệp Việt vào tình thế phải chuyển đổi để đáp ứng và theo kịp.
Chưa kể, với khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển cao, nên nông sản Việt xuất đi Mỹ đang loay hoay tìm cách hạ tối đa giá thành sản xuất để cạnh tranh. Trước sức ép về giá, các doanh nghiệp Mỹ khuyến cáo, Việt Nam cần tăng đầu tư cho công nghệ bảo quản để trái cây tươi có thể đi đường biển sang Mỹ, tận dụng các FTA để có ưu đãi thuế quan tốt nhất, giúp hàng hóa cạnh tranh hơn.
Về dài hạn, phải triển khai các giải pháp phát triển mô hình “nông nghiệp thông minh”, với việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, nâng cao năng suất, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Dù vậy, trước chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý những vụ việc điều tra chống bán phá giá, lưu trữ hồ sơ hàng hóa xuất khẩu. Thị trường Mỹ ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và đó sẽ là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch.
Amerasian Shipping Logistics Corp.
(+84)28 3512 9759
(+84)28 3512 9758
pricing@asl-corp.com.vn
mdirector@asl-corp.com.vn
www.asl-corp.com.vn