Ngày 26/09/2022
Tại hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp vào cuối tuần qua, Cục Hải quan TPHCM đã lưu ý doanh nghiệp nhiều điểm mới về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, tránh sai sót khi thực hiện.
Nhiều mặt hàng nhập khẩu có thay đổi về quy định kiểm tra chuyên ngành.
Cục Hải quan TPHCM trong thời gian gần đây có nhiều văn bản mới quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, Cục Hải quan TPHCM lưu ý doanh nghiệp về điểm mới về kiểm tra chuyên ngành đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Theo đó, Nghị định 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/7/2022.
Theo điểm a khoản 9 Điều 1 Nghị Định số 46/2022/NĐ-CP có bổ sung một số quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tại khoản 4 điều 18 Nghị Định số 13/2020/NĐ-CP: Đối với thức ăn chăn nuôi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này: Tổ chức, cá nhân hoàn tất thủ tục khai báo hải quan, lựa chọn tổ chức chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi được chỉ định để đánh giá sự phù hợp của lô hàng. Trường hợp lô hàng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tổ chức chứng nhận hợp quy cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho lô hàng để tổ chức, cá nhân nộp cho cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan kiểm tra. Trường hợp lô hàng có kết quả kiểm tra không phù hợp, tổ chức chứng nhận hợp quy thông báo cho cơ quan kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.”
Ngày 13/9/2022, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã có công văn số 1320/GSQL-GQ1 gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố triển khai công văn số 536/CN-TACN về việc thực hiện quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tại Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn). Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi nộp Giấy chứng nhận hợp quy cho lô hàng theo quy định trên thay vì nộp “Thông báo Kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu” để làm thủ tục thông quan.
Đặc biệt, có 9 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi khi nhập khẩu gồm: Thức ăn chăn nuôi tạm nhập tái xuất, tái nhập khẩu để tái chế theo yêu cầu của đối tác nước ngoài; thức ăn chăn nuôi quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài gửi kho ngoại quan; thức ăn chăn nuôi để trưng bày tại hội chợ, triển lãm, quảng cáo; thức ăn chăn nuôi làm mẫu phân tích tại các phòng thử nghiệm; thức ăn chăn nuôi làm mẫu để thử nghiệm phục vụ khảo nghiệm, giám định, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thử nghiệm liên phòng; thức ăn chăn nuôi phục vụ nghiên cứu khoa học; thức ăn chăn nuôi của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế; thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”
Về lĩnh vực kiểm dịch, từ ngày 11/9/2022, Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2022 của BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, có hiệu lực thi hành. Theo đó, nhiều nội dung sửa đổi đáng chú ý, trong đó, Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch, gồm: Động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu thuộc diện ngoại giao; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.
Ngoài ra, theo Cục Hải quan TPHCM, liên quan đến một số vướng mắc khi nhập khẩu trang thiết bị y tế, theo Cục Hải quan TPHCM, Bộ Y tế có Thông tư 05/2022/TT-BYT hướng dẫn Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Thông tư 06/2022/TT-BYT quy định danh mục và cấp số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách, có hiệu thực thi hành kể từ ngày 1/8/2022. Trong quá trình thực hiện, đã phát sinh một số vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp, Cục Hải quan TPHCM đã báo cáo và Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3733/TCHQ-GSQL ngày 9/9/2022 gửi Bộ Y tế để báo cáo vướng mắc, để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Thông tư 12/2022/TT-BGTVT ban hành ngày 30/6/2022 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022 thay thế Thông tư số số 41/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, Cục Hải quan TPHCM lưu ý doanh nghiệp một số mặt hàng xe máy chuyên dùng chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan, như: xe nâng (mã 8427), xe ủi (8429), xe xúc (8429.51.00), xe đào (8429.52.00, 8430.41.00 và 8429.59.00), xe lu rung (8429.40.40 và 8429.40.50), xe lu loại khác (8429.40.90), xe khoan (8430.41.00)...
Nguồn: Báo Hải quan online
Amerasian Shipping Logistics Corp.
(+84)28 3512 9759
(+84)28 3512 9758
pricing@asl-corp.com.vn
mdirector@asl-corp.com.vn
www.asl-corp.com.vn