Tin tức thị trường

HỘI THẢO TRỰC TUYẾN: LÀM NHƯ THẾ NÀO ĐỂ DOANH NGHIỆP LOGISTICS VIỆT NAM GIAO NHẬN HÀNG CONTAINER ĐI MỸ AN TOÀN, CHUYÊN NGHIỆP

Ngày 30/3/2022, Ban Pháp luật cùng Ban Vận tải và Giao nhận thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến: Giao nhận hàng xuất container đi Mỹ theo quy định của Ủy Ban Hàng hải Liên Bang (FMC) – Chuyên đề 2: Làm như thế nào để doanh nghiệp Logistics Việt Nam giao nhận hàng container đi Mỹ an toàn, chuyên nghiệp.

Tiếp nối thành công Hội thảo Chuyên đề 1 với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp hội viên trong cả nước, Hội thảo Chuyên đề 2 lần này được kỳ vọng sẽ tiếp tục cung cấp chi tiết những thông tin hữu ích và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, một phần nâng cao sự hiểu biết cho doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới. Đây cũng là mục tiêu hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logitsics Việt Nam (VLA), hướng đến các doanh nghiệp Hội viên, kết nối đồng hành và phát triển với định hướng Chuyển đổi số - Đổi mới - Sáng tạo.

Chương trình sẽ có tham gia của các Chuyên gia là Trưởng Ban Vận tải và Giao nhận, Trưởng ban Pháp luật Hiệp hội VLA, diễn giả khách mời là Đại diện doanh nghiệp hội viên với nhiều năm kinh nghiệm về FMC.

Thông tin chi tiết về Hội thảo:

Nội dung:

Nội dung 1: Tổng quan về hoạt động vận chuyển quốc tế bằng đường biển

Nội dung 2: Làm như thế nào để Doanh nghiệp Logistics Việt Nam giao nhận hàng container đi Mỹ an toàn, chuyên nghiệp:

  • Hiểu về các quy định của Cục hàng Hải liên bang Hoa Kỳ - FMC đối với giao nhận hàng container vào Hoa Kỳ.
  • Tránh các rủi ro và xử lý các rủi ro phát sinh một cách chuyên nghiệp.
  • Bảo hiểm trách nhiệm của nhà vận chuyển.

Thời gian: 01 buổi, Thứ Tư, ngày 30 tháng 3 năm 2022

Hình thức: Trực tuyến trên nền tảng Zoom

MIỄN PHÍ THAM GIA

Đăng ký tham gia: Vui lòng gửi về email: vla-hn02@vla.com.vn

Hiện nay, Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong nghành công nghiệp logistics, trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước hầu hết ở quy mô vừa và nhỏ và chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu toàn thị trường. Trong đó có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ vận chuyển đường biển quốc tế. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp Logisitcs việt Nam đủ điền kiện phát hành vận đơn chuẩn trực tiếp khi cung cấp dịch vụ vận chuyển đường biển đi tuyến Bắc Mỹ chưa nhiều.

Hầu hết các các doanh nghiệp Logistics, freight forwarder cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế tuyến Mỹ đều là các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp nước ngoài với hệ thống văn phòng toàn cầu nên có nhiều thuận lợi trong việc ký hợp đồng với các hãng tàu do có giấy phép hoạt động do Ủy ban hàng hải liên bang Hoa Kỳ - Federal Maritime Committee (FMC) dành cho doanh nghiệp trung gian vận chuyển – Ocean Transportation Intermediaries - OTI của các công ty mẹ (Giấy phép FMC).

Để ký được hợp đồng trực tiếp tuyến Mỹ với các hãng tàu và tự phát hàng vận đơn, khai AMS trực tiếp, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải cung cấp cho các hãng tàu số Giấy phép FMC, để có được Giấy phép FMC các doanh nghiệp phải cung cấp OTI bond.

Các quy định của FMC liên quan đến hoạt động giao nhận hàng container đến Mỹ rất chặt chẽ, đòi hỏi sự am hiểu quy định sở tại, tính chuyên nghiệp rất cao mới tránh được rủi ro thuế phí, và tiền phạt tại nơi giao hàng cũng như các điểm chuyển tải.

Hoa Kỳ là quốc gia có chính sách rất chắc chẽ, hệ thống pháp luật đa dạng, đặc biệt là đối với nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và chuỗi logistics của họ. Hoa Kỳ có nhiều quy định, kể cả luật liên bang, tiểu ban (mỗi tiểu ban có quy định khác nhau). Chính vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường năng lực, năng lực hiểu biết hệ thống, chủ động trong xuất khẩu.

Theo VLA