Ngày 04/08/2022
Kể từ ngày 1/1/2023, thông báo chấp thuận đăng ký miễn trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo Công ước Stockholm (sau đây gọi tắt là chất POP) của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ sở để cơ quan Hải quan xem xét, cho phép làm thủ tục hải quan đối với chất POP. Như vậy chỉ còn 5 tháng nữa quy định này sẽ được triển khai. Để vừa đảm bảo duy trì nhập khẩu phục vụ sản xuất vừa đảm bảo vai trò trách nhiệm của Việt Nam trong thực thi Công ước Stockholm, doanh nghiệp cần phải lưu ý gì để thực hiện các bước thủ tục nhập khẩu, sản xuất, sử dụng?
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 kiểm tra hàng hóa XNK.
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường), chất POP được các quốc gia ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất POP gây ra. Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.
Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn Công ước Stockholm vào ngày 22/7/2002. Ngày 10/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam (tại Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg và cập nhật tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg). Qua đó, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Phụ lục XVII Nghị định 08/2022/NĐ-CP Danh mục các chất POP phải thực hiện đăng ký miễn trừ gồm:
Hexabromodiphenyl ether và Heptabromodiphenyl ether (HBDE) sử dụng trong công nghiệp; Tetrabromodiphenyl ether và Pentabromodiphenyl ether (POP-BDE) sử dụng trong công nghiệp; Các axit Perfluorooctane sulfonic, muối của chúng (PFOS) và Perfluorooctane sulfonic fluoride (PFOSF) sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp; Hexabromocyclododecane (HBCDD) sử dụng trong công nghiệp; Polychlorinated naphthalene (PCN) sử dụng trong nông nghiệp; Decabromodiphenyl ether (DBDE) sử dụng trong công nghiệp; Các paraffin mạch ngắn chứa clo (SCCP) sử dụng trong công nghiệp; Pefluorooctanoic acid (PFOA), muối của chúng và các hợp chất liên quan đến PFOA sử dụng trong công nghiệp.
Ngày 10/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quy định liên quan đến quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy trên cơ sở thực hiện cam kết của Công ước Stockholm mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, nội dung quan trọng là kể từ ngày 1/1/2023, thông báo chấp thuận đăng ký miễn trừ chất POP của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ sở để cơ quan Hải quan xem xét, cho phép làm thủ tục hải quan đối với chất POP.
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục hải quan, để thực thi các quy định mới này, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định về chứng từ phải nộp cho cơ quan Hải quan; danh mục các chất POP phải thực hiện đăng ký miễn trừ; vấn đề ghi nhãn, thủ tục đánh giá sự phù hợp; trách nhiệm về sử dụng, kinh doanh các mặt hàng này...
Cụ thể, chất POP phải được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm được ban hành tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng ký miễn trừ chất POP với Ban Thư ký Công ước Stockholm. Để đảm bảo không bị gián đoạn trong hoạt động nhập khẩu, sản xuất tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp cần thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP và gửi hồ sơ đăng ký miễn trừ về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ thời điểm nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo chấp thuận đăng ký miễn trừ chất POP đến tổ chức, cá nhân.
Đáng chú ý, sau khi hết thời hạn đăng ký miễn trừ theo yêu cầu của Công ước Stockholm, các chất POP thuộc Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, việc quản lý nhập khẩu chất POP sẽ được cơ quan Hải quan theo dõi, trừ lùi đối với trường hợp giấy phép sử dụng cho nhiều lần nhập khẩu. Khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng đầu tiên, căn cứ giấy phép bản chính dưới dạng giấy do người khai hải quan nộp hoặc thông tin giấy phép trên tờ khai hải quan đối với trường hợp được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai cập nhật thông tin giấy phép vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để theo dõi, trừ lùi số lượng, trọng lượng trên giấy phép tương ứng với từng lần xuất khẩu, nhập khẩu.
Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa hỗ trợ theo dõi trừ lùi, chi cục hải quan căn cứ văn bản xác nhận lượng hàng hóa đã được cấp phép (đối với giấy phép được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia) hoặc giấy phép bản chính dưới dạng giấy để lập Phiếu theo dõi trừ lùi và thực hiện việc trừ lùi đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Người khai hải quan được giao Phiếu theo dõi trừ lùi kèm một bản chụp giấy phép (đối với trường hợp giấy phép được cấp dưới dạng giấy) để thực hiện theo dõi trừ lùi cho những lần xuất khẩu, nhập khẩu tiếp theo.
Nguồn: Báo Hải quan online
Amerasian Shipping Logistics Corp.
(+84)28 3512 9759
(+84)28 3512 9758
pricing@asl-corp.com.vn
mdirector@asl-corp.com.vn
www.asl-corp.com.vn