Tin tức thị trường

LÝ GIẢI CƯỚC VẬN TẢI BIỂN TĂNG PHI MÃ KHIẾN DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

Ngày 25/05/2024

Nếu như năm 2021, giá cược vận tải ghi nhận nhiều lần lập đỉnh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây tác động toàn cầu làm thiếu container rỗng, tàu thuyền vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, thì tới năm 2022, chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa đao đứng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine khiến chi phí nhiên liệu tăng liên tục, giá cước tàu biển tăng cao. Ảnh hưởng này không dừng lại và kéo dài đến đầu 2024, thế giới tiếp tục chứng kiến căng thẳng khu vực Biển Đỏ dẫn đến cước vận tải biển cùng hàng loạt phụ phí leo thang.

Làm sao để cân bằng giữa bài toán chi phí và lợi ích của khách hàng khi có thời điểm giá cước vận tải tăng đến 5 lần khiến các doanh nghiệp xuất khẩu chịu áp lực rất lớn. Theo đó, giá cước từ TP.HCM đi các cảng chính của châu Âu trước khi xảy ra xung đột biển Đỏ khoảng 2500 USD cho 1 cont 20 feet, giờ đây giá cước tăng gần gấp rưỡi, gần 4000 USD cho cont cùng kích thước. Đặc biệt giá cước cho hàng lạnh còn tăng gấp đôi so với bình thường. Tính tổng chi phí trả cho 1 cont hàng nếu đi Bờ Tây nước Mỹ đã tăng lên 70%, trong khi hàng đông lạnh đi châu Âu tăng gấp 4 lần.

Trong thời điểm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc tăng giá của những loại phí nhỏ lẻ, hay biến động nhẹ cũng ảnh hưởng đến khả năng thương thảo và kiếm hợp đồng của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, đại diện doanh nghiệp cho biết những loại phí như làm hàng xếp dỡ, tập kết container không quá lớn, chỉ khoảng mấy trăm ngàn mỗi container, nhưng còn hàng ngàn thứ phí khác như điện, xăng dầu, phí an ninh của hãng tàu, phí vận chuyển mỗi loại tăng một chút sẽ khiến chi phí tổng thể của doanh nghiệp tăng rất nhiều, nhất là chi phí logistics.

Thời gian tới, không chỉ những tuyến vận tải đi qua khu vực Biển Đỏ tăng phí, mà những tuyến đường khác cũng sẽ tăng theo. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, cuối năm 2023, khó khăn của doanh nghiệp đã tới giới hạn đỏ, mà giờ cước phí vận tải và chi phí tăng lên nữa thì các doanh nghiệp mỏng và yếu sẽ sụp ngay bởi nhiều tác động kéo theo (sức cạnh tranh bị giảm sút, tranh chấp khi đàm phán hợp đồng, giá thành hàng hóa tăng cao, không kiếm được đơn hàng…)

Một tàu chở hàng bị phiến quân Houthi vây quanh trên biển đỏ

Đáng nói, khi thông tư 39/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container, vừa được ban hành ngày 25/12/2023, thì ngay từ đầu tháng 2/2024 đồng loạt các hãng tàu nước ngoài công bố tăng 10 - 20% phí THC (Terminal Handling Charge - phụ phí xếp dỡ tại cảng) đối với mỗi loại dịch vụ container tại Việt Nam. Đặc biệt, mức tăng phí THC của hãng tàu cao hơn nhiều so mức điều chỉnh giá bốc dỡ của container cảng biển Việt Nam.

Trong bối cảnh này, nhà nước và các cơ quan hữu quan cần xem xét, cân nhắc các chính sách tạo điều kiện để ủng hộ doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phát triển. Doanh nghiệp cần chủ động, duy trì kết nối vận tải giữa Việt Nam và thế giới, tránh tình trạng phù thuộc 100% vào vận tải quốc tế từ các hãng tàu nước ngoài. Việc hình thành đội tàu container mạnh không chỉ đơn thuần giải quyết khó khăn trước mắt mà còn giúp doanh nghiệp cắt giảm cước phí vận tải đường biển, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Minh Phúc

iconbx
arrow-topw