Tin tức thị trường

MỸ TĂNG BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI VỚI VIỆT NAM

Ngày 26/12/2022

Trong các thị trường xuất khẩu, Mỹ là quốc gia áp dụng phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi họp báo về phòng vệ thương mại tại TP HCM ngày 16/12, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến tháng 10, Việt Nam ghi nhận 224 vụ bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Lý do là kinh tế thế giới khó khăn, xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết khiến nhiều quốc gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ hàng hóa trong nước.

Trong các thị trường lớn, Mỹ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (43 vụ). Tiếp đến là ASEAN (42 vụ), Ấn Độ (29 vụ)... Với thị trường EU, số vụ việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại giảm 14 vụ so với trước.

Theo thống kê, 11 tháng, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang Mỹ ngày càng tăng mạnh, một số nhóm hàng bùng nổ doanh số nên theo ông Trung, các hàng hóa này có thể trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại trong thời gian tới.

Trong các sản phẩm hàng hóa như cá tra, tôm, mật ong của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá nhiều nhất. Điển hình, mật ong có thời điểm Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ lên tới 400%. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành xử lý hiệu quả nên mức áp dụng chống bán phá giá mật ong giảm 7 lần xuống 58-62% (tùy doanh nghiệp).

Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ thông tin sáng 16/12 tại TP HCM.

Riêng với cá tra và tôm, tới nay nhiều doanh nghiệp đã không còn bị áp dụng chống bán phá giá. Dẫu vậy, theo ông Trung, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hàng năm vẫn rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo Chính phủ Mỹ vẫn áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời, gây sức ép mở cửa các thị trường xuất khẩu.

Do đó, doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao.

Trong khi các nước tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu, cơ quan chức năng của Việt Nam đang đẩy mạnh các biện pháp bảo hộ sản phẩm trong nước. Đến nay, Việt Nam đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại 22 vụ việc, trong đó có 16 vụ điều tra chống bán phá giá, 6 vụ điều tra tự vệ, 2 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, 1 vụ điều tra chống trợ cấp.

Đặc biệt, tháng 8, Việt Nam đã áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường mía Thái Lan, hay áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm vật liệu hàn, áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm bàn ghế nội thất từ Trung Quốc....