Tin tức thị trường

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HỘI NGHỊ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU COP26

Ngày 18/05/2022

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) là hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), là nơi họp chính thức của các bên tham gia UNFCCC nhằm đánh giá quá trình đương đầu với biến đổi khí hậu.

cop26

Các kỳ hội nghị COP đã giúp nhân loại nhận thức rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước xích lại gần nhau, đoàn kết để bảo vệ trái đất, bảo vệ chính mình.

Dưới đây là một số điều bạn cần biết về hội nghị khí hậu quan trọng của Liên Hợp Quốc COP26 sắp diễn ra vào tháng 11 và những gì các nhà lãnh đạo thế giới hy vọng đạt được.

COP26 là gì?

COP là viết tắt của Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu - sự kiện diễn ra hàng năm, riêng sự kiện năm ngoái bị hoãn vì đại dịch. Số 26 biểu thị đây là hội nghị lần thứ 26.

Mục tiêu của COP26

Alok Sharma - thành viên Quốc hội Anh và Chủ tịch COP26 - nói rằng, ông muốn hội nghị năm nay đạt được thỏa thuận về một số mục tiêu chính, bao gồm:

- Giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C: Đây là mục tiêu mà một số quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch đã chống lại.

- Đặt ngày chấm dứt việc sử dụng than "không suy giảm": Thuật ngữ than "không suy giảm" ám chỉ việc sử dụng than mà không có bất kỳ công nghệ nào để làm giảm đáng kể lượng khí thải CO2 của nó.

- Cung cấp 100 tỉ USD tài trợ khí hậu hàng năm: Các quốc gia giàu có đã đồng ý với mục tiêu này, để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.

- Gia tăng doanh số các loại ôtô không phát thải (ví dụ như ôtô điện).

- Chấm dứt nạn phá rừng vào cuối thập kỷ này, vì rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ carbon khỏi khí quyển.

- Giảm lượng khí thải từ methane - một loại khí có sức làm nóng gấp 80 lần so với carbon dioxide.

"Net zero" là gì và tại sao mọi người lại nói về nó?

Rất nhiều quốc gia đã cam kết đạt "net zero" vào giữa thế kỷ. "Net zero" là khi lượng khí nhà kính thải ra không lớn hơn lượng khí thải thoát ra khỏi khí quyển.

Để đạt được "net zero", các quốc gia và công ty sẽ cần dựa vào các phương pháp tự nhiên - như rừng - để loại bỏ cùng một lượng carbon thải ra, hoặc sử dụng công nghệ được gọi là thu giữ và lưu trữ carbon, bao gồm việc loại bỏ carbon tại nguồn phát thải trước khi nó có thể đi vào khí quyển. Sau đó, carbon sẽ được lưu trữ hoặc chôn vùi dưới lòng đất.

Tin tốt là báo cáo của Liên Hợp Quốc từ tháng 8 cho thấy rằng, nếu thế giới đạt được "net zero" vào giữa thế kỷ, thì sự nóng lên toàn cầu có thể được kiềm chế ở mức khoảng 1,5 độ C. 

Nhưng một số nhà khoa học cho rằng mục tiêu "net zero" là nguy hiểm.

Cố vấn chính sách về khí hậu Aditi Sen của Oxfam Mỹ cho hay: "Vấn đề về các mục tiêu net zero của các công ty và nhiều chính phủ là nhiều mục tiêu trong số đó thực sự mơ hồ và có nguy cơ trở thành một loại vỏ bọc cho hoạt động kinh doanh như bình thường. Điều thực sự giúp chúng ta kiềm chế sự nóng lên là cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải ngay bây giờ, trong 9 năm tới".

Nhìn lại các Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi Khí hậu

COP1 đầu tiên được tổ chức vào năm 1995 tại Berlin, Đức (COP 1) từ ngày 28/3 đến 7/4, thảo luận những mối lo ngại về sự tương xứng trong khả năng đạt được các cam kết, đồng thuận về "Các hành động được thực thi cùng nhau", những biện pháp chung tay đầu tiên trong hành động chống lại biến đổi khí hậu quốc tế.

COP2 diễn ra vào tháng 7/1996 tại Geneva (Thụy Sĩ) chấp nhận những phát hiện mặt khoa học về biến đổi khí hậu; Kêu gọi "các mục tiêu trung hạn ràng buộc về mặt pháp lý".

COP3 diễn ra tháng 12/1997 tại Kyoto (Nhật Bản), thông qua Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, vạch ra những nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính cho các quốc gia, cùng với các cơ chế Kyoto, như: Mua bán phát thải, cơ chế phát triển sạch và việc thực thi cùng nhau; các quốc gia công nghiệp hóa nhất và một số nền kinh tế Trung Âu đang trong thời kỳ quá độ chấp thuận việc giảm ràng buộc về mặt pháp lý lượng phát thải khí nhà kính với mức giảm trung bình 6 tới 8% dưới mức năm 1990 từ trong khoảng thời gian 2008-2012, được gọi là giai đoạn ngân sách phát thải đầu tiên. Mỹ được yêu cầu giảm lượng phát thải trung bình 7% thấp hơn mức năm 1990.

COP4 diễn ra vào tháng 11/1998 tại Buenos Aires (Argentina). Các bên thông qua một "Kế hoạch hành động" kéo dài 2 năm nhằm gia tăng các nỗ lực và vạch ra các cơ chế để thi hành Nghị định thư Kyoto.

COP5 diễn ra từ 25 /10 đến 5/11/1999, tại Bonn (Đức) không đạt được một thỏa thuận nào quan trọng.

COP6 diễn ra từ 13-25/11/2000, tại The Hague (Hà Lan) trở thành một cuộc đàm phán cấp độ cao về những vấn đề chính trị quan trọng. Tuy nhiên không đạt được sự thỏa thuận nào.

COP7 tháng 10-11 năm 2001, tại Marrakech, Morocco, không đạt được thỏa thuận quan trọng nào.

COP8 từ 23/10 tới 1/11/2002, tại New Delhi, Ấn Độ thông qua Tuyên bố Bộ trưởng Delhi kêu gọi nỗ lực của các nước đã phát triển chuyển giao công nghệ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu lên các nước đang phát triển.

COP9 diễn ra vào ngày 1-12/12 năm 2003 tại Milan (Ý). Các bên đồng ý sử dụng Quỹ Thích ứng được xây dựng tại COP7 vào năm 2001, chủ yếu trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Quỹ cũng được sử dụng cho việc xây dựng năng lực thông qua việc chuyển giao công nghệ.

COP10 diễn ra từ ngày 6 tới ngày 17/12/2004, tại Buenos Aires (Argentina), thảo luận về tiến trình đã diễn ra kể từ Hội nghị đầu tiên của Các bên 10 năm trước và các thách thức trong tương lai, đặc biệt nhấn mạnh tới việc làm giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu, thông qua Kế hoạch Hành động Buenos Aires.

COP11 (hay COP 11/CMP 1) diễn ra từ 28/11 tới 9/12/2005, tại Montreal (Canada), được xem là hội nghị liên chính phủ lớn nhất về biến đổi khí hậu từng diễn ra với 10.000 đại biểu. Sự kiện đánh dấu việc Nghị định thư Kyoto bắt đầu có hiệu lực. Kế hoạch hành động Montreal là một thỏa thuận trong việc "gia hạn hiệu lực của Nghị định thư Kyoto qua năm 2012 (năm Nghị định thư hết hiệu lưc) và đàm phán về những cắt giảm sâu hơn trong việc phát thải khí nhà kính".

COP12/CMP 2 diễn ra từ 6-17/11/2006 tại Nairobi (Kenya) đã có những bước tiến nhất định, bao gồm lĩnh vực hỗ trợ các quốc gia đang phát triển và cơ chế phát triển sạch. Các bên đã thông qua một kế hoạch 5 năm để hỗ trợ việc thích ứng biến đổi khí hậu bởi các quốc gia đang phát triển, đồng ý về trình tự và phương thức của Quỹ Thích ứng, đồng ý cải thiện dự án cho cơ chế phát triển sạch.

COP13/CMP 3 diễn ra từ 3-17/12/2007, tại Nusa Dua, Bali (Indonesia), thỏa thuận về một khung thời gian và sự đàm phán có cấu trúc về khung hậu 2012 (khi kết thúc giai đoạn cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto). Thông qua Kế hoạch Hành động Bali hướng tới việc tăng cường khẩn cấp việc thực thi Công ước khung tới và sau năm 2012.

COP14/CMP 4 diễn ra từ 1-12/12/2008 tại Poznań (Ba Lan), đám phán về một kế thừa của Nghị định thư Kyoto. Các đại biểu đồng ý về các nguyên tắc trong việc cấp vốn cho một quỹ để giúp các quốc gia nghèo nhất đương đầu với hậu quả của biến đổi khí hậu và đồng ý về một cơ chế để hợp nhất việc bảo vệ rừng thành những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để chống lại biến đổi khí hậu.

COP15/CMP 5 diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) từ ngày 7-18/12/2009, với nhiều kỳ vọng đưa ra được một hiệp ước ràng buộc pháp lý, nhưng hội nghị gặp những bế tắc trong đàm phán. Kết quả, đã nhen nhóm ý tưởng về việc để các chính phủ tự nguyện đề ra mục tiêu giảm khí thải theo tính toán phù hợp với nhu cầu của nước mình, yêu cầu các nước gởi mục tiêu khí thải vào cuối tháng 1/2010.

COP16/CMP 6, tại Cancún (Mexico) năm 2010, bước đầu đã lấy lại niềm tin của các nước trên thế giới, tạo cơ sở tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn cầu. Các nước đã thống nhất phải hợp tác dài hạn trong ứng phó với biến đổi khí hậu để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 và phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp. COP 16 thống nhất xây dựng quy trình Quỹ Khí hậu xanh; nhất trí tăng cường các hoạt động giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng, thông qua bảo vệ, quản lý bền vững ở các nước đang phát triển với sự hỗ trợ về công nghệ và tài chính của các nước phát triển; đưa ra những hướng dẫn mới về Cơ chế phát triển sạch (CDM).

COP17/CMP7 năm 2011 được tổ chức tại Durban (Nam Phi), từ 28/11-9/12/2011, mục tiêu đưa ra một hiệp ước mới nhằm hạn chế lượng carbon và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời thống nhất về văn bản mang tính ràng buộc pháp lý mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto. Hội nghị đồng ý một thỏa thuận ràng buộc pháp lý bao gồm tất cả các quốc gia, sẽ được thông qua vào năm 2015 và có hiệu lực vào năm 2020. Ngoài ra còn có tiến triển liên quan đến việc thành lập Quỹ Khí hậu Xanh, trong đó một khung quản lý được thông qua. Quỹ sẽ đóng góp 100 tỉ USD mỗi năm để giúp các quốc gia nghèo thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu.

COP18/CMP 8 tại Doha (Qatar) từ ngày 26/11 đến 7/12/2012, tập trung thảo luận về các nỗ lực chống sự nóng lên toàn cầu, trong đó bao gồm việc thực hiện các cam kết trong giai đoạn thứ hai của nghị định thư Kyoto.

COP19/CMP9 được tổ chức tại Warsaw (Ba Lan) từ ngày 11-23/11/2013, tập trung đàm phán để thông qua một hiệp ước toàn cầu mới do Liên hợp quốc bảo trợ về biến đổi khí hậu nhằm bắt đầu thực hiện từ năm 2020, thay thế Nghị định thư Kyoto. Hội nghị đã đạt được sự nhất trí về một số nguyên tắc chính mang “tính thỏa hiệp” cho một thỏa thuận mới để chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Thỏa thuận Paris là cơ sở pháp lý toàn cầu trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới tăng trưởng kinh tế carbon thấp, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

COP20/CMP 10, tại Lima (Peru) từ ngày 1-12/12/2014. Mục tiêu bao quát của hội nghị là nhằm làm giảm lượng khí thải nhà kính để hạn chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2 độ C trên mức hiện tại. EU đặt mục tiêu giảm bắt buộc 40% một cách hợp pháp lượng khí thải carbon tới năm 2030 so với trong năm 1990.

COP21/CMP 11 được tổ chức tại Paris (Pháp) từ 30/11-12/12 năm 2015, thông qua Thỏa thuận chung Paris, quản lý các phương thức giảm biến đổi khí hậu từ năm 2020. Thỏa thuận đã đạt được ngưỡng thông qua với hơn 55 quốc gia đại diện cho ít nhất 55% lượng phát thải khí hậu kính của thế giới đã phê chuẩn Thỏa thuận này.

COP22/CMP 12/CMA 1, được tổ chức tại Marrakech (Morocco) vào ngày 7-18/11 năm 2016. Vấn đề trọng tâm của COP 22 là nạn thiếu nước, nước sạch và bền vững liên quan tới nước, một vấn đề quan trọng của các nước đang phát triển, bao gồm nhiều nước châu Phi. Mục tiêu chính là triển khai thực thi thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu - Thỏa thuận Paris.

COP23/CMP 13/CMA 2, Bonn (Đức) được tổ chức vào ngày 6-17/11/2017 đã đạt được nhận thức chung về hiểm họa từ biến đổi khí hậu, qua đó kêu gọi các nước cùng chung tay hành động. COP 23 đã thành công trong việc cứu vãn Hiệp định Paris 2015 khi không còn sự tham gia của Mỹ, qua đó thắp lên hy vọng cứu vãn hành tinh xanh trước nguy cơ hủy diệt do tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

COP24/CMP 14 diễn ra tháng 11/2018, tập trung xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch chi tiết về giảm nhẹ, thích ứng, tăng cường năng lực, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ… đối với toàn bộ 195 quốc gia đã ký kết (trong đó 184 quốc gia đã phê chuẩn) Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Ngoài ra, đại diện các nước cũng thảo luận về cách thức nhằm giải quyết các mối đe dọa cấp bách như tình trạng biến đổi khí hậu, lượng khí nhà kính gây ra sự ấm lên toàn cầu, cải thiện chất lượng không khí, thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và của, như các trận cháy rừng, các đợt nóng kéo dài và các cơn bão hung dữ có sức tàn phá lớn đi kèm với mực nước biển tăng; đồng thuận về cơ chế hướng dẫn quy định chung, được xây dựng để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Hiệp định Paris năm 2015 về việc giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C.

COP25/CMP 15/CMA 4 được tổ chức vào cuối năm 2019 tại Chilê, kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều sáng kiến, kế hoạch hành động và cam kết cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương