Ngày 06/06/2024
Các trở ngại thương mại toàn cầu cùng ập tới một lúc, gây ra tình trạng thiếu container rỗng, đẩy giá cước vận tải biển tăng trung bình khoảng 30% trong những tuần qua và dự kiến còn tăng tiếp.
Giá cước giao ngay tăng nhanh
Mùa vận chuyển cao điểm sắp diễn ra, cùng với thời gian vận chuyển dài hơn để tránh Biển Đỏ và thời tiết xấu ở châu Á, đã ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại trên các tuyến giao thương hàng hải chính của thế giới. Các hãng vận tải đường biển bỏ ghé qua các cảng hoặc giảm thời gian lưu trú tại cảng và không nhận chở các container rỗng nhằm bảo đảm tiến độ giao hàng của các tàu. Các vấn đề này xuất hiện vào thời điểm hàng tiêu dùng phục vụ mùa tựu trường và những kỳ nghỉ lễ chuẩn bị được vận chuyển trên các đại dương.
“Từ vùng Viễn Đông đến Bờ Tây của Mỹ, giá cước vận chuyển container giao ngay có khả năng vượt qua mức đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ hồi đầu năm”, Emily Stausbøll, nhà phân tích vận tải biển cao cấp của hãng tư vấn vận tải biển Xeneta, nói.
Dữ liệu giá cước vận tải biển của Xeneta cho thấy giá trên thị trường giao ngay đang tăng nhanh và nới rộng mức chênh lệch ngày càng lớn với giá cước trong dài hạn.
“Sự chênh lệch giữa giá cước dài hạn và ngắn hạn càng lớn thì nguy cơ hàng hóa đã lên lịch bốc lên tàu bị từ chối vận chuyển càng cao, điều mà chúng tôi biết là đã xảy ra”, Stausbøll nói.
Giá cước giao ngay đã giảm sau đợt tăng mạnh do khủng hoảng hàng hải Biển Đỏ vào đầu năm 2024. Kể từ cuối tháng 4, giá cước giao ngay bắt đầu tăng vọt trung bình lên tới 1.500 đô la Mỹ mỗi container trên các tuyến đường đến Mỹ. Hiện một số mức giá cước cao nhất đã tăng gấp đôi so với một tháng trước. Dữ liệu của Xeneta chỉ ra rằng giá cước vận tải biển sẽ tăng cao hơn nữa vào đầu tháng 6 tới.
Stausbøll cho biết, tình trạng giá cước tăng nhanh hiện nay gợi lại ký ức về cơn hỗn loạn do thiếu năng lực vận tải biển trong đại dịch Covid-19. “Tương tự như thời kỳ đó, một số công ty giao nhận buộc phải chấp nhận giá cước ở mức cao đảm bảo không gian trên tàu”, bà nói.
Container rỗng thiếu hụt
Hãng chuyển phát nhanh quốc tế DHL đã cảnh báo về rủi ro thiếu hụt container rỗng kể từ tháng 1. Lý do là các hãng vận tải biển phải chuyển hướng tàu container đi theo các tuyến đường vận chuyển dài hơn để tránh Biển Đỏ kể từ khi phiến quân Houthi tiến hành các vụ tấn công nhằm vào tàu thương mại. Điều này cũng có nghĩa là container bị kẹt trên các đại dương trong thời gian lâu hơn, khiến lượng container rỗng sẵn có ở các cảng để đóng hàng bị thiếu hụt. Mức độ thiếu hụt container rỗng càng trầm trọng hơn do thời tiết xấu ảnh hưởng đến các cảng ở Trung Quốc, Malaysia và Singapore.
Container bị kẹt trên đại dương lâu hơn, thời tiết xấu ảnh hưởng đến các cảng ở Trung Quốc, Malaysia
khiến tình trạng thiếu hụt container rỗng ngày càng trầm trong hơn
Đầu năm nay, các chuyên gia hậu cần dự báo sẽ có đủ công suất container và tàu container để giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng, từ khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ đến hạn hán ở kênh đào Panama. Nhưng Goetz Alebrand, người đứng đầu bộ phận vận tải biển châu Mỹ của hãng giao nhận DHL Global Forwarding, nói với CNBC rằng không gian tàu trên nhiều tuyến thương mại không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Các tuyến thương mại từ châu Á đến Mỹ Latin, các tuyến xuyên Thái Bình Dương và từ châu Á đến châu Âu đều đang gặp phải những hạn chế về không gian trên tàu. Tình trạng thiếu container rỗng đang ảnh hưởng đến các cảng cụ thể, một số nhà cung cấp dịch vụ và một số loại container nhất định”, Alebrand nói. Ông chỉ ra tình trạng thiếu hụt container 40 foot tại cảng nội địa Trùng Khánh của Trung Quốc vào tuần trước.
Theo Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của nền tảnh giao dịch vận chuyển hàng hóa trực tuyến Freightos, trong tháng 3 và tháng 4, các hãng vận tải biển có thể sử dụng các tàu nhàn rỗi cũng như tàu từ các tuyến khác để giúp bù đắp cho các chuyến đi dài hơn, giúp container luân chuyển và bảo đảm lịch khởi hành hàng tuần.
“Nhưng điều này có nghĩa là không còn công suất dư thừa trên thị trường”, ông nói.
Thời tiết xấu ở Đông Á vào cuối tháng 4 gây thêm một số sự chậm trễ do các hãng vận tải biển bỏ qua một số cảng trong khu vực hoặc rút ngắn thời gian quay vòng tại các cảng đích. Điều đó cũng có nghĩa là có ít container rỗng được đưa về Trung Quốc hơn.
“Nhu cầu xuất khẩu từ Trung Quốc tăng lên gần đây, cùng với số lượng container rỗng giảm, khiến các chủ hàng bắt đầu thấy khó tìm được container rỗng tại một số trung tâm xuất khẩu. Với công suất vận chuyển bị kéo căng, nhu cầu tăng lên, dù không quá mạnh, vẫn đủ để đẩy giá cước tăng vọt. Tình trạng thiếu container rỗng càng đẩy giá cước tăng hơn nữa”, Levine nói.
Lo ngại giá cước tăng phi mã như trong thời kỳ đại dịch
Đợt tăng giá cước vận tải biển mới nhất diễn ra sau đợt tăng vào đầu năm do khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ. Chi phí tăng giá dịch vụ hậu cần cuối cùng sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Giá cước vận tải biển tăng chóng mặt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 là một trong những yếu tố được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) coi là nguyên nhân gây ra lạm phát. Gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần đồng loạt cảnh báo các chủ hàng trên khắp thế giới, bao gồm các nhà bán lẻ lớn, về tình trạng thiếu container rỗng.
“Các hãng vận tải biển đang phải đối mặt với tình trạng thiếu container rỗng nghiêm trọng do tắc nghẽn kéo dài, các chuyến tàu bị hủy… Rất nhiều lô hàng bị trì hoãn vận chuyển do thiếu hụt container rỗng dẫn đến tình trạng tồn đọng lớn. Vì vậy, công suất trên thị trường vận tải biển sẽ bị hạn chế hơn nhiều”, Orient Star Group, nhà cung cấp dịch vụ kho vận, vận chuyển đường biển và đường hàng không ở Hồng Kông, cảnh báo trong thư gửi cho khách hàng.
Orient Star Group cho biết, đợt tăng cước mới được ấn định vào ngày 1-6 sẽ khiến chi phí vận chuyễn mỗi container tăng thêm 1.000 đô la Mỹ, do các hãng vận tải biển “hơi tham lam” trước nhu cầu tăng đột ngột.
MSC, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, đã công bố mức giá giá cước mới từ 8.000-10.000 đô la cho mỗi container 40 foot vận chuyển đến Bờ Tây của Mỹ, có hiệu lực từ ngày 15-5 đến ngày 31-5.
Hãng tàu Wan Hai Lines của Đài Loan cho biết sẽ tính thêm phí để bảo đảm không gian trên tàu.
Trong thông báo gửi cho khách hàng, hãng dịch vụ giao nhận Honor Lane Shipping (HLS) ở Hồng Kông cảnh báo, trong khi giá cước giao ngay tiếp tục tăng cao, năng lực vận chuyển hàng hóa từ châu Á tiếp tục thắt chặt. “Điều đó đã cho phép các hãng vận tải áp dụng ‘giá cước kim cương’ như trong thời kỳ đại dịch”. Bên cạnh đó, việc các hãng vận tải biển hủy ghé cảng càng làm tăng áp lực lên giá cước.
Hãng nghiên cứu vận tải biển Drewry cho biết, có tổng cộng 17 hành trình bị hủy trên tuyến xuyên Thái Bình Dương từ tuần 20 (tuần này) đến tuần 24 trong lịch vận chuyển của các hãng vận tải biển.
HLS cho biết những trở ngại trên sẽ không sớm cải thiện do nền kinh tế tiêu dùng Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Với doanh số bán lẻ trong năm 2024 của Mỹ được dự báo tăng từ 2,5-3,5%, HLS dự đoán tình hình không gian thắt chặt trên các tàu container sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất đến tháng 6.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Amerasian Shipping Logistics Corp.
(+84)28 3512 9759
(+84)28 3512 9758
pricing@asl-corp.com.vn
mdirector@asl-corp.com.vn
www.asl-corp.com.vn