Ngày 05/12/2023
Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp đến 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, hiện cả vùng chỉ có 171km đường cao tốc và chi phí logistics chiếm đến 30% giá thành nông sản. Đây là thông tin quan trọng trong bài tham luận của Hiệp hội Doanh nghiệp DV Logistics Việt Nam (VLA) tại Diễn đàn Logistics quốc gia 2023 tại Cần Thơ, do ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch VLA trình bày.
Đại diện VLA cũng phân tích rõ nguyên nhân khiến chi phí logistics vùng đồng bằng Sông Cửu Long cao là do có đến 80% hàng hóa tại đây được vận chuyển bằng được bộ. Trong khi tỉ lệ đường cao tốc của đồng bằng Sông Cửu Long thấp nhất cả nước. Tắc nghẽn giao thông cũng thường xuyên diễn ra. Là vùng có lợi thế về vận tải thủy nhất cả nước, tuy nhiên do hạn chế tĩnh không cầu, luồng tuyến vẫn tồn tại điểm cạn đã khiến trọng tải sà lan chỉ ở mức từ 1,500 tấn đến 3,500 tấn. Hệ thống cho logistics khu vực ĐBSCL cũng được VLA nhận định thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế. Thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu, thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn... Hệ thống kho lạnh, kho mát phục vụ nông, thủy sản còn thiếu và dự báo sẽ càng thiếu hụt. Chỉ có 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có kho lạnh thương mại là Long An, Hậu Giang và Cần Thơ. Đây là những nguyên nhân lớn khiến chi phí logistics của ĐBSCL cao, giảm sức cạnh tranh hàng hóa nhất là hàng nông sản của vùng.
Để khắc phục yếu điểm logistics, khơi thông luồng nông sản, VLA đề xuất 2 nhóm giải pháp. Về giải pháp hạ tầng, ĐBSCL nên tập trung cải thiện hệ thống giao thông cả đường bộ, đường thủy, đường sắt; xây dựng hệ thống kho hiện đại; tăng cường vận tải đa phương thức; phát triển dịch vụ vận tải hàng không để kéo dài thời gian trên kệ cho hàng nông thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết, nhằm phát triển mạng lưới cung ứng hiệu quả cũng là một giải pháp quan trọng được VLA nhấn mạnh trong bài tham luận tại sự kiện. Từ liên kết vùng, tới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, liên kết theo chuỗi từ nông dân, thương lái, nhà máy chế biến, doanh nghiệp thương mại và cuối cùng là doanh nghiệp logistics……Đặc biệt, dựa vào chỉ số logistics cạnh tranh cấp tỉnh (LCI) mà VLA vừa công bố vào tháng 11/2023, các tỉnh ĐBSCL có thể tham khảo nhằm đưa ra giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động logistics của địa phương. Bởi LCI được tính toán dựa trên 5 trụ cột gồm: Kinh tế, Dịch vụ logistics, Khung pháp lý và chính sách, Cơ sở hạ tầng và Nguồn nhân lực logistics. Dựa vào điểm số mà mỗi trụ cột nhận được, các địa phương sẽ nhìn nhận được điểm mạnh, điểm yếu cũng như định hướng chiến lược giải pháp phát triển cho ngành. Theo báo cáo LCI 2022, cùng ĐBSCL có 5 tỉnh được đưa vào đánh giá, trong đó Cần Thơ và Long An đạt được thứ hạng khá tốt (đồng hạng 9).
Kết thúc bài tham luận, ông Lê Quang Trung Phó Chủ tịch VLA nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động logistics chính là chìa khóa quan trọng để kinh tế ĐBSCL cất cánh, và VLA sẵn sàng hợp tác với chính quyền, hiệp hội ngành hàng và logistics của vùng để triển khai các giải pháp một cách hiệu quả, bền vững.
Tại diễn đàn Logistics quốc gia 2023, có 4 tập thể và 2 cá nhân của VLA đã vinh dự được nhận bằng khen của Bộ Công thương vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển ngành logistics Việt Nam. Xin chúc mừng: Công ty CP Logistics Hàng Không (ALS), Công ty CP Giao nhận Vận tải Con Ong (BEE Logistics), Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận AAAS, Cảng Quốc tế Long An, bà Võ Thị Phương Lan – Trưởng Ban Vận tải – Giao nhận VLA, bà Nguyễn Thị Hồng Ngân – Trưởng Ban Pháp luật VLA.
Nguồn: VLA
Amerasian Shipping Logistics Corp.
(+84)28 3512 9759
(+84)28 3512 9758
pricing@asl-corp.com.vn
mdirector@asl-corp.com.vn
www.asl-corp.com.vn