Ngày 03/04/2024
Vụ sập cầu Francis Scott Key ở bến cảng Baltimore tại bang Maryland, nước Mỹ được xem là thảm họa sập cầu tồi tệ nhất kể từ năm 2007 và đây cũng là vụ cầu đổ sập đầu tiên do va chạm với tàu hàng trong 40 năm qua. Tai nạn nghiêm trọng này gây tác động lan rộng tới toàn bộ nền kinh tế xứ Cờ Hoa khi tuyến vận tải đường thủy chính chuyên lưu thông hàng hóa quan trọng gây gián đoạn vô thời hạn dòng tàu ra vào và làm căng thẳng chuỗi cung ứng tại bờ đông Hoa Kỳ.
Hiện trường vụ sập cầu Francis Scott ở thành phố Baltimore, bang Maryland sau khi bị tàu container Dali của Singapore đâm
Sáng sớm thứ 3 (26/3), một tàu lớn container do hãng Maersk thuê thuộc sở hữu của công ty Singapore Grace Ocean đang trên hành trình đến Sri Lanka đã đâm vào cây cầu , khiến kết cấu cây cầu bị phá vỡ và đổ sập trong tích tắc, làm nhiều xe rơi xuống nước và ít nhất 20 người được cho đã rơi xuống sông.
Thông báo báo chí sau vụ sập cầu
Thống đốc bang Maryland Wes Moore nhận định đây không chỉ là thảm họa kinh tế của riêng thành phố Baltimore hay bang Maryland mà là của cả nền kinh tế quốc gia. Tuyến đường sông đang bị ách tắc vì thân cầu đổ sập vốn là điểm đầu tiên dẫn vào cảng Baltimore, một trong những cảng bận rộn và hoạt động thường xuyên nhất trên cả nước Mỹ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg cho rằng việc sớm đưa cảng biển này hoạt động trở lại không chỉ quan trọng với người dân và người lao động ở Baltimore mà còn với các chuỗi cung ứng của đất nước. Theo quan chức này, công tác dọn dẹp, khơi thông tuyến đường sông này đã bắt đầu từ ngày 30/3 và đang được tiến hành khẩn trương nhưng chưa biết khi nào sẽ hoàn thành. Khung thời gian để xây dựng lại cây cầu cũng chưa thể ước tính được. Các quan chức liên bang và giới chức địa phương đều lo ngại chiến dịch giải phóng hiện trường và tái thiết cầu sập sẽ kéo dài và phức tạp.
Maersk cho biết trong một tuyên bố mới nhất: "Chúng tôi sẽ bỏ qua Baltimore trên tất cả các tuyến của mình trong tương lai gần, cho đến khi tình hình được coi là an toàn để đi qua khu vực này". Họ cho biết sẽ dỡ hàng đến Baltimore tại các cảng khác gần đó, nhưng Maersk cảnh báo khách hàng rằng điều đó có thể đồng nghĩa với việc giao hàng bị chậm trễ.
Những hậu quả mà chuỗi cung ứng toàn cầu phải gánh chịu
Theo số liệu thống kê của bang Maryland, năm 2023, cảng Baltimore tiếp nhận và điều phối khoảng 1,1 triệu container hàng hóa, là cảng bận rộn thứ 9 trên cả nước xét về khối lượng trao đổi thương mại. Năm 2023, với việc xử lý hơn 850.000 lô hàng ô tô và xe tải hạng nhẹ, cảng Baltimore đứng đầu toàn nước Mỹ năm thứ 13 liên tiếp trong lĩnh vực này. Việc ngưng trệ giao thương hàng hóa để khắc phục hậu quả từ tai nạn sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô như BMW và Volkswagen bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào lúc này do phụ thuộc nhiều vào bến cảng. Khách hàng tiêu dùng tìm mua xe mới cũng phải trì hoãn một thời gian do tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Không chỉ các tập đoàn bán lẻ như Under Armour, Home Depot, IKEA chịu ảnh hưởng do việc không được lưu thông, các nông dân, chủ nhà hàng cũng có thể cảm nhận được một số tác động trong ngắn hạn.
Cảng Baltimore nhỏ hơn các bến container lớn nhất nước Mỹ nhưng đây lại là một thành phần chính của chuỗi cung ứng phương tiện.
Jason Eversole, giám đốc điều hành tại FourKites, một công ty tư vấn chuỗi cung ứng cho biết: “Sự sụp đổ thảm họa của cầu Francis Scott Key sẽ gây áp lực lên các phương thức vận tải khác và các lựa chọn thay thế cảng”. Một số hàng hóa lẽ ra đã đi qua Baltimore có khả năng sẽ đến Charleston, Norfolk hoặc Savannah.
Điều đó sẽ làm tăng nhu cầu về dịch vụ vận tải đường bộ và đường sắt, đồng thời khiến việc vận chuyển hàng hóa đến nơi cần đến trở nên phức tạp và tốn kém hơn. Ông Eversole cho biết: “Ngay cả khi họ dọn sạch đống đổ nát khỏi mặt nước, giao thông trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng do các tài xế xe tải trở nên miễn cưỡng chở hàng ra vào khu vực nếu giá không tăng”.
Vụ đâm cầu để lại những tổn thất cho nền kinh tế do việc ngưng trệ giao thương hàng hóa
Tiến sĩ Richard Clinch, chuyên gia phân tích kinh tế và tài chính, đồng thời là giám đốc điều hành của Viện Jacob France tại Đại học Baltimore, nhận định cảng Baltimore "có tầm quan trọng sống còn". Ông cho biết tác động lâu dài từ vụ sập cầu phụ thuộc vào thời gian sửa chữa và xây dựng lại cây cầu. Với rất ít thông tin rõ ràng về thời điểm cảng Baltimore sẽ mở cửa trở lại, các công ty bảo hiểm và nhà phân tích hiện đang đánh giá những tổn thất liên quan tới việc bồi thường cho các tài sản, hàng hóa, hàng hải, trách nhiệm pháp lý, tín dụng thương mại và gián đoạn kinh doanh.
Tiền đền bù kinh tế cho vụ sập cầu có thể lớn nhất lịch sử hàng hải
Giới chức bang Maryland ước tính mỗi ngày nền kinh tế của bang này thiệt hại đến 15 triệu USD vì vụ sập cầu. Ngoài ra, 15.000 công việc trực tiếp tại cảng và 140.000 công việc gián tiếp khác phụ thuộc vào cảng Baltimore bị ảnh hưởng. Theo dự báo của công ty quản lý rủi ro hàng hải Windward, các chuyến tàu chở hàng tới cảng Baltimore sẽ phải hoãn ít nhất 24 ngày vì sự cố sập cầu.
Thiệt hại đặc biệt lớn có thể sẽ rơi vào các công ty bảo hiểm. Giám đốc điều hành xếp hạng bảo hiểm toàn cầu Marcos Alvarez tại Morningstar DBRS cho biết tùy thuộc vào thời gian tắc nghẽn và tính chất của phạm vi bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đối với cảng Baltimore, tổn thất được bảo hiểm có thể lên tới từ 2 tỷ USD đến 4 tỷ USD. Ông cho biết con số này sẽ vượt mức thiệt hại được bảo hiểm kỷ lục của thảm họa tàu du lịch hạng sang Costa Concordia năm 2012. Giám đốc cấp cao phụ trách bộ phận phân tích của cơ quan xếp hạng bảo hiểm AM Best, ông Mathilde Jakobsen, cũng cho biết các khoản bồi thường có thể sẽ lên tới hàng tỷ USD.
Các chuyến tàu chở hàng tới cảng Baltimore sẽ phải hoãn ít nhất 24 ngày vì sự cố sập cầu
Hiện tại, các con tàu lẽ ra vào cảng Baltimore đang phải neo đậu ngoài cảng và chờ chuyển hướng tới các hải cảng khác ở Bờ Đông. Các cảng ở Philadelphia, Wilmington, Newark, Norfolk, Charleston, Jacksonville… có thể sẽ phải đón lượng hàng hóa vào cảng gia tăng.
Theo hãng tin AP, chi phí xây dựng lại cầu Francis Scott Key Bridge sẽ dao động từ 400 triệu USD đến 1 tỷ USD, và thời gian để hoàn tất công trình sẽ mất từ 18 tháng đến vài năm. Trong khi đó, việc đóng cửa cảng Baltimore trong một tháng có thể khiến bang Maryland thiệt hại tổng cộng 28 triệu USD. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố chính phủ liên bang sẽ chi trả cho việc xây lại cây cầu, nhưng giới chuyên gia cho rằng chưa có gì đảm bảo chắc chắn cho điều này.
Những tia hi vọng cho một tương lai tích cực hơn
Theo dự báo của công ty quản lý rủi ro hàng hải Windward, tuy các tàu chở hàng tới cảng Baltimore phải hoãn ít nhất 24 ngày vì sự cố sập cầu, ảnh hưởng gián đoạn này đối với lưu thông hàng hóa trong thời gian ngắn hạn là có thể kiểm soát được vì cảng Baltimore chỉ chiếm khoảng 4% khối lượng hàng hóa thương mại ở khu vực Bờ Đông của Mỹ.
Các chuyên gia về chuỗi cung ứng nói rằng hạ tầng hải cảng của Mỹ hiện nay đã tốt hơn so với hồi năm 2021-2022, khi các cảng thiếu nhân viên nghiêm trọng trong lúc phải đương đầu với lượng lớn tàu bè và hàng hoá dồn ứ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sự tắc nghẽn trong đại dịch đã khiến hàng hóa tăng vọt, nhưng các chuyên gia đánh giá vụ sập cầu ở Baltimore sẽ không dẫn tới ảnh hưởng tương tự trên diện rộng.
Nhà kinh tế trưởng Ryan Sweet của công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics nhận định: “Vụ sập cầu sẽ có ảnh hưởng kinh tế đến địa phương Baltimore nhiều hơn là phạm vi toàn quốc. Chúng tôi không cho rằng gián đoạn về giao thông hay thương mại do sự cố này sẽ được thể hiện rõ trong tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ảnh hưởng đối với lạm phát cũng chỉ ở mức tối thiểu và trong tầm kiểm soát”.
Bà Emily Stausolll, một nhà phân tích tại Xeneta nói thêm: các công ty vận chuyển hàng hóa sẽ có các phương án khắc phục vấn đề như nhập bổ sung một lượng hàng container đến các cảng lân cận như New York/ New Jersey nếu Baltimore không thể tiếp cận, như vậy bất kỳ tác động nào đến giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sẽ có thể được hạn chế.
Kết luận: Vụ sập cầu tại bờ đông nước Mỹ đã gây ra một loạt thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn và duy trì hạ tầng giao thông. Điều quan trọng nhất là cần có những sự chuẩn bị trước để đảm bảo khả năng ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu trước những thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nguồn: The Epoch Times
Amerasian Shipping Logistics Corp.
(+84)28 3512 9759
(+84)28 3512 9758
pricing@asl-corp.com.vn
mdirector@asl-corp.com.vn
www.asl-corp.com.vn