Các yêu cầu nhãn mác, an toàn thực phẩm khắt khe, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU, là những thách thức của nông sản Việt tại Australia.
Australia ngày càng nhập khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam – Australia trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA)” diễn ra sáng nay 30/3 tại Hà Nội, ông Vũ Huy Phúc - Phó trưởng bộ môn nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) - thông tin, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 845 triệu USD.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân 9%/năm trong giai đoạn 2009 - 2022. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là sản phẩm thuỷ sản, tiếp đến là các mặt hàng rau quả cũng tăng mạnh nhờ mở cửa thị trường. Tuy nhiên, một số sản phẩm hạt điều, tiêu, cà phê, gỗ giảm nhẹ trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều nông sản từ Australia. Tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam từ Australia năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Australia 32,6%/năm (giai đoạn 2009 - 2022).
Trong đó, tăng trưởng nhập khẩu mạnh nhất những năm gần đây là lúa mì và bông, đặc biệt là năm 2022 do Chiến tranh Nga - Ukraina khiến nhập khẩu tăng đột biến. Các mặt hàng nhập khẩu tăng ổn định như sữa, trái cây.
Về những điểm cần lưu ý khi thương mại với Australia, ông Vũ Huy Phúc cho biết, tại thị trường này, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Bên cạnh đó, nông sản còn chịu sự cạnh tranh lớn của các nước khác tại thị trường Australia.
Nhiều quy định về nhập khẩu như: Chính sách thuế và thuế suất; quy định về bao bì, nhãn mác; quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch; quyền sở hữu trí tuệ; thương hiệu; tập quán kinh doanh,... các doanh nghiệp cũng cần lưu ý.
“Thông thường, hải quan sẽ thu phí xử lý hàng hoá thông thường dưới 200 AUD. Thuế hàng hoá và dịch vụ (GST) được tính bằng 10% tổng giá trị của hàng hoá, cộng với thuế nhập khẩu, cộng với phí bảo hiểm và vận chuyển đến Australia. Thuế nhập khẩu được tính dựa trên phần trăm giá hàng hoá. Thuế nhập khẩu vào khoảng 0-10% nhưng chủ yếu 5%”, ông Vũ Huy Phúc chia sẻ.
Về quy định bao bì, nhãn mác, theo ông Vũ Huy Phúc, trong Đạo luật Thương mại 1905 quy định rằng một số mặt hàng không thể được nhập khẩu trừ khi chúng được dán nhãn chính xác với mô tả thương mại được yêu cầu (mô tả đúng về hàng hoá bằng tiếng Anh). Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng năm 2010 cấm việc đưa ra các tuyên bố sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về nơi xuất xứ của hàng hoá.
Các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu trái cây sang Australia gồm: Các tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật; yêu cầu chung về thiết lập và giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói,...
Cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Cộng đồng người việt tại Australia lớn. Nhu cầu của người dân Australia với các sản phẩm của Việt Nam ngày càng lớn (trái cây, gia vị…). Australia là một nền kinh tế mở, cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Việt Nam và Australia cùng là thành viên của nhiều FTA song phương và đa phương. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Australia.
Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nông sản của Việt Nam chủ yếu nhỏ, lẻ. Khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm còn hạn chế. Trong khi thị trường nhập khẩu yêu cầu chất lượng rất cao. Mặt khác, tình trạng tồn dư hoá chất trong các lô hàng xuất khẩu vẫn diễn ra. Chi phí logistic của Việt Nam lớn so với các nước trong khu vực. Nông sản Việt chưa chú trọng vào thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối của Australia,… Đây đang là những thách thức không nhỏ đối với nông sản của Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường này.
Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, ông Vũ Huy Phúc nêu quan điểm, việc tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng tại Australia là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi. Hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.
Cơ quan chức năng cũng cần xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản xuất khẩu sang Australia. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước. Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản.
Thương mại các sản phẩm nông sản giữa Việt Nam và Australia có xu hướng tăng trưởng cao. Cơ cấu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Australia có sự chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến. Chất lượng hàng nông sản của Việt Nam tại thị trường Australia đang được cải thiện theo hướng tích cực. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Australia còn thấp. Sự đa dạng mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường Australia và ngược lại chưa nhiều.
Nông sản Việt Nam và Australia vừa bổ trợ, vừa tương đồng nhau. PGS. TS. Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng, Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội – nhận định, để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Australia, cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin về các FTAs và lợi ích ngoài thuế quan của các FTAs. Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin về thị trường Australia, việc này không chỉ hướng đến các nhà xuất khẩu và chế biến nông sản, mà cần hướng tới cả những người trồng nông sản.
Về phía các doanh nghiệp, cần chú ý hơn đến các sản phẩm nông sản đông lạnh và nghiên cứu để xuất khẩu các sản phẩm trái cây đông lạnh vì đây là những sản phẩm không bị ràng buộc bởi giấy phép xuất khẩu....
Nguồn: congthuong.vn
Amerasian Shipping Logistics Corp.
(+84)28 3512 9759
(+84)28 3512 9758
pricing@asl-corp.com.vn
mdirector@asl-corp.com.vn
www.asl-corp.com.vn