Ngày 31/10/2023
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến trung tuần tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt xấp xỉ 523 tỷ USD.
Cụ thể, từ 1-15/10, xuất khẩu cả nước đạt 14,2 tỷ USD. Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có 4 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 10.
Dẫn đầu là điện thoại và linh kiện với 2,55 tỷ USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên 41,47 tỷ USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may...
Lũy kế từ đầu năm đến 15/10, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 272,74 tỷ USD, giảm hơn 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Về các mặt hàng, đáng chú ý, nửa đầu tháng 10 (1-15/10), xuất khẩu rau quả thu về 349,52 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên con số 4,56 tỷ USD, tăng trưởng tới 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 2 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, rau quả có tăng trưởng ấn tượng nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Đáng chú ý, những tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả đang tiếp tục có sự tăng tốc đáng ghi nhận. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những tháng còn lại của năm 2023, trong khi sầu riêng của các nước khác ở Đông Nam Á đã hết vụ, Việt Nam vẫn còn vùng sầu riêng ở Tây Nguyên chưa khai thác. Đây sẽ là cơ hội lớn để mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả tiếp tục tăng kim ngạch trong thời gian tới.
Một mặt hàng khác cũng đang có dấu hiệu giảm bớt khó khăn. 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước ước đạt 26,93 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Công Thương đánh giá, mức giảm này chậm lại so với mức giảm 16,89% trong 6 tháng so với cùng kỳ năm 2022; chậm lại so với mức giảm 17,62% trong 5 tháng, song tăng 2,55% so với 8 tháng đầu năm 2019.
Nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 có khả năng giảm 8 - 10%, sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022.
Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Được biết, gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU cũng khởi sắc hơn.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10 đạt 12,84 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên 250,2 tỷ USD, giảm gần 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 10 đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến 15/10 đạt xấp xỉ 523 tỷ USD, cán cân thương mại đạt thặng dư 22,54 tỷ USD.
Trước đó, năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD) so với năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 371,3 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD so với năm trước; trị giá nhập khẩu là 358,9 tỷ USD, tăng 7,8%, tương ứng tăng 26,06 tỷ USD. Đây là mức xuất nhập khẩu kỷ lục từ trước đến nay.
Nguồn: congthuong.vn
Amerasian Shipping Logistics Corp.
(+84)28 3512 9759
(+84)28 3512 9758
pricing@asl-corp.com.vn
mdirector@asl-corp.com.vn
www.asl-corp.com.vn