Tin tức thị trường

XUẤT SIÊU HÀNG HOÁ ĐẠT CON SỐ KỶ LỤC SAU 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

Ngày 07/08/2023

7 tháng đầu năm, xuất siêu của cả nước đạt 16,48 tỷ USD, tăng hơn 12 lần so với con số 1,34 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 57,07 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 30,07 tỷ USD, tăng 2,1% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 2,4%.

 

Tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng năm 2023 đạt 374,36 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 60,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 22,5 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 178,94 tỷ USD, giảm 17,4% (tương ứng giảm 37,64 tỷ USD).

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 năm 2023 thặng dư 3,07 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế trong 7 tháng năm 2023 lên 16,48 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thặng dư 1,34 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

TS. Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều khó khăn, cán cân thương mại vẫn xuất siêu là điều tốt. Xuất siêu lớn là yếu tố giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tỷ giá…

Tuy nhiên, phân tích sâu hơn lại thấy, 7 tháng qua, con số xuất siêu có được do kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, trong đó nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Nhiều thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… đều cắt giảm tiêu dùng, kéo đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, hơn 90% hàng hóa nhập khẩu của nước ta là hàng tư liệu phục vụ hoạt động sản xuất để xuất khẩu. Nhập khẩu tư liệu giảm chứng tỏ nền kinh tế đang gặp khó khăn, sản xuất đình trệ.

Song, điểm sáng đáng mừng là khoảng 3 tháng trở lại đây, cả xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, dù mức tăng trưởng còn chưa cao. Tháng 7, xuất khẩu hàng hóa tăng 0,8% so với tháng trước; nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 tăng 4,4% so với tháng trước. Đặc biệt, nhập khẩu khối hàng hoá cần thiết cho sản xuất vẫn chiếm con số lớn trong tổng nhu cầu nhập khẩu. Đây là tín hiệu cho rằng sản xuất và xuất khẩu hàng hoá có thể khởi sắc hơn trong nửa cuối năm.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp được khuyến cáo cần tận dụng thời cơ để tái cơ cấu, đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng của Mỹ, EU... Bên cạnh việc tận dụng cơ hội phục hồi từ các thị trường đối tác lớn, truyền thống, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... cũng cần tăng cường khai thác các thị trường mới, giàu tiềm năng như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, Australia, châu Phi và Mỹ La - tinh...

Nguồn: congthuong.vn

iconbx
arrow-topw