Tin tức thị trường

GTTNLVC 2014: Khu vực miền Bắc thêm 2 thí sinh đạt giải

GTTNLVC 2014: Khu vực miền Bắc thêm 2 thí sinh đạt giải

Ngày thi thứ hai dành cho các thí sinh khu vực miền Bắc tham dự Vòng Chung khảo cuộc thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2014 có 5 thí sinh dự thi. Ban giám khảo (BGK) của buổi thi gồm: Doanh nhân Trần Thái Do - Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Á Đông Silk, doanh nhân Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch HĐQT-TGĐ Công ty Giao nhận vận tải Mỹ Á, doanh nhân Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT.

BGK cùng 5 thí sinh dự thi trong ngày 22/8

Khu vực miền Bắc có tổng cộng 15 thí sinh được chọn vào Vòng Chung khảo GTTNLVC, được bố trí thi trong 2 ngày 21 và 22/8. Ngày đầu tiên đã có 4 thí sinh đạt GTTNLVC 2014 gồm: Trần Thị Trang, Trương Tuấn Dũng, Trịnh Hồng Nhung và Đào Mạnh Tân. Buổi thi cuối cùng - diễn ra sáng 22/8 tại trụ sở Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT ở Hà Nội - đã có 5 đề án được trình bày trước BGK.

Đề án Trung tâm Đào tạo kỹ năng cho nữ giới (Công ty TNHH Hoàn Mĩ) của thí sinh Nguyễn Minh Dương được các giám khảo đánh giá có ý tưởng tốt nhưng tính khả thi chưa cao. Các mô hình và cách thức triển khai mà Dương trình bày còn mang nặng tính lý thuyết, chưa xác định được khách hàng mục tiêu để có thể thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp, chưa chứng minh được khả năng xây dựng chương trình huấn luyện và đào tạo, mức vốn đầu tư cũng chưa đảm bảo để xây dựng được một đội ngũ giảng viên tốt và môi trường thân thiện... Do vậy, Dương chưa thuyết phục được BGK.

Thí sinh Lê Thị Phương Thảo thuyết trình đề án trước BGK

Tham gia vào vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, đề án Trung tâm đào tạo - giáo dục kiến thức giới tính B&G của thí sinh Lê Thị Mai Linh được các giám khảo rất hoan nghênh. Tuy nhiên, các doanh nhân - giám khảo khuyên Linh, muốn hiện thực hóa đề án thì cần quan tâm đến một số yếu tố quan trọng như:

- Chương trình đào tạo phải có điểm thật khác biệt, vì trên thực tế mặc dù vấn đề giáo dục giới tính trong học đường có thể chưa hiệu quả nhưng một số đơn vị như Sở Lao động - Thương bình và Xã hội hay Đoàn Thanh niên cũng thường tổ chức miễn phí giáo dục giới tính, trong đó người nghe không những không phải trả tiền mà có thể còn được tặng quà.
- Có mức đầu tư thỏa đáng để thuê được các chuyên gia tâm lý, bác sĩ có trình độ và uy tín, tạo được môi trường đào tạo tốt.
- Các chi phí khấu hao, BHXH, BHYT... phải tính theo thực tế.

Doanh nhân Ngô Vi Đồng - Chánh chủ khảo ngày thi 22/8 công bố kết quả buổi thi

BGK đánh giá cao mục đích, ý nghĩa xã hội của đề án Chuỗi nhà hàng cơm sườn nướng Patriot của thí sinh Nguyễn Quang Thái, và động viên tác giả đề án nên đầu tư công sức cho một số vấn đề:

- Cần tìm hiểu, nghiên cứu về mô hình, quy trình xây dựng các chuỗi nhà hàng để có kế hoạch nhận diện thương hiệu cũng như vấn đề đăng ký bản quyền. Đồng thời phải dự toán chi phí đầy đủ cho các công việc này.
- Cần quan tâm tới an toàn vệ sinh thực phẩm vì đây là vấn đề rất quan trọng khi kinh doanh ẩm thực.
- Cần nêu rõ thế mạnh về nguồn nguyên liệu để đảm bảo chất lượng của món ăn cũng như giá thành phù hợp như tác giả mong muốn.
- Cần nêu rõ bí quyết để tạo sự khác biệt cho món ăn hoặc là bí quyết để món ăn ngon hơn so với các quán khác.

Ghi nhận tâm huyết và đánh giá cao ý tưởng kinh doanh của thí sinh Lê Thị Phương Thảo với đề án Ứng dụng điện thoại di động "Comic Note", đồng thời BGK cũng đề nghị Thảo nên dành công sức nhiều hơn để nghiên cứu và trình bày thêm các vấn đề sau:
- Xác định rõ các nguồn thông tin cần thu thập.
- Tính toán kỹ các chi phí đầu tư, chi phí nhân công...
- Cần phải tính toán đầy đủ các công đoạn và chi phí để sản xuất ra một sản phẩm ứng dụng cũng như kế hoạch duy trì sản phẩm trong tương lai như đầu tư phần cứng, chi phí cho kỹ sư lập trình...

Thí sinh cuối cùng dự thi là Thân Thị Tuyết với đề án Công ty Dịch vụ trồng rau thủy canh. Ý tưởng này của Tuyết trùng lắp với nhiều mô hình đang được triển khai rộng, đặc biệt là tại TP.HCM. Vì vậy, theo các giám khảo, nếu triển khai, Tuyết phải tạo được điểm khác biệt mới có thể cạnh tranh được.

BGK và 2 thí sinh đạt GTTNLVC sau ngày thi 22/8

Sau khi đánh giá lại toàn bộ phần thi của 5 thí sinh trên, BGK đã quyết định chọn 2 đề án của 2 thí sinh Nguyễn Quang Thái và Lê Thị Phương Thảo để trao GTTNLVC 2014.

Như vậy, sau 2 ngày thi, có tổng cộng 6 thí sinh khu vực miền Bắc được công nhận đạt GTTNLVC 2014.

P.V
Nguồn: www.doanhnhansaigon.vn