Tin tức thị trường

Ngày thi thứ 9 GTTNLVC: Giải thưởng cho 2 đề án có tính khả thi cao

Ngày thi thứ 9 GTTNLVC: Giải thưởng cho 2 đề án có tính khả thi cao

Sáng 28/8, ngày thi cuối của Vòng Chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2014 đã khép lại với hai giải thưởng được trao cho thí sinh Trần Lê Lan Vy và thí sinh Thạch Thị Trúc Linh. Cả hai đề án đều được BGK đánh giá có tiềm năng kinh doanh thực tế rất cao.

BGK chấm giải ngày 28/8 (từ trái qua): doanh nhân Lâm Bình Bảo - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Prominent Dosiertechnik Việt Nam, doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, doanh nhân Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Giao Nhận Vận Tải Mỹ Á

Thử thách bản thân

Đo lường khả năng xây dựng đề án của bản thân là mục tiêu chung của ba thí sinh Vũ Thị Lan, Quách Nghiệp Hòa và Phạm Thị Bảo Ngân tại cuộc thi năm nay. BGK nhận xét các thí sinh có ý tưởng tốt nhưng còn cách thực tế một khoảng rất xa. Trở ngại lớn nhất của cả 3 dự án là thiếu thông tin về lĩnh vực kinh doanh.

Thí sinh Vũ Thị Lan trong phần trả lời phản biện của BGK

Với dự án kinh doanh chuỗi nhà hàng sản xuất và phân phối nem chua Xứ Thanh của thí sinh Vũ Thị Lan, giám khảo Phương Lan nhận xét thí sinh còn cảm tính khá nhiều. Về sản phẩm, thí sinh chưa tìm kiếm được bí quyết sản xuất chất lượng. Về chiến lược kinh doanh, thí sinh cần khảo sát thực tế thị trường để phân tích SWOT đồng thời tìm ra điểm hòa vốn cho dự án.

"Khi làm đề án kinh doanh, tất cả phải định lượng chứ không suy đoán, định tính", giám khảo Phương Lan khuyên.

Thí sinh Quách Nghiệp Hòa với đề án kinh doanh thức ăn nhanh Gà Vàng

Mong muốn tạo chỗ đứng cho thương hiệu Việt trong lĩnh vực thức ăn nhanh, thí sinh Quách Nghiệp Hòa xây dựng đề án kinh doanh cửa hàng Gà Vàng với món ăn chủ lực là bánh mì gà vàng nướng mật ong.

Theo giám khảo Bình Bảo, thí sinh phân tích tài chính tốt nhưng kế hoạch kinh doanh chưa ổn. Giám khảo Thanh Lâm khuyên thí sinh không nên khởi nghiệp khi chưa hiểu về ngành chế biến. Định vị thức ăn nhanh nhưng quy trình chế biến của thí sinh lại cồng kềnh. Sản phẩm chính chiếm tỷ trọng nhỏ trong thực đơn cũng là điều thí sinh cần điều chỉnh cho dự án.

Thí sinh Phạm Thị Bảo Ngân trình bày dự án kinh doanh sữa OC Milk

Cung cấp sữa tươi thanh trùng, không dùng chất bảo quản là mong muốn của thí sinh Phạm Thị Bảo Ngân khi xây dựng đề án OC Milk. Tuy nhiên giám khảo Lâm Bình Bảo cảnh báo ngành sản xuất sữa không đơn giản.

Thí sinh đã rất mạo hiểm khi sản xuất và bán thử nghiệm sữa nhưng chưa qua kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Giám khảo Thanh Lâm cho rằng "Điều này là cực kỳ nguy hiểm". Sữa là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển. Người lớn tuổi và trẻ em là đối tượng sử dụng chính nên yếu tố nhạy cảm của lĩnh vực này càng cao hơn. BGK gợi ý thí sinh nên tìm kiếm đối tác sản xuất sữa chất lượng để tập trung làm nhà phân phối sẽ an toàn hơn.

Tiềm năng thực tế

Hai dự án kinh doanh còn lại của thí sinh Trần Lê Lan Vy và thí sinh Thạch Thị Trúc Linh được BGK đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển trong thực tế. Điểm nổi bật của hai đề án này là thí sinh đã khảo sát thị trường kỹ, hiểu rõ về quy trình chế biến và sản phẩm có tính khác biệt cao.

Thí sinh Lê Thị Lan Vy với dự án cửa hàng Gio's

Hướng đến đối tượng khách hàng lao động và du khách, cửa hàng Gio’s của thí sinh Trần Lê Lan Vy sẽ là nơi cung cấp các loại bánh giò - món ăn mà thí sinh yêu thích từ khi còn nhỏ. Gio's là mục tiêu Lan Vy muốn hoàn thành trước năm 28 tuổi. Khát khao lớn, song chính mong muốn bao quát thị trường đã làm dự án của Lan Vy thiếu trọng tâm.

BGK khuyên thí sinh cần phân tích rõ đối tượng khách hàng chính. Nếu chọn định hướng khách hàng lao động, thí sinh sẽ khó có thể cạnh tranh về giá với một sản phẩm được đầu tư chất lượng như Gio's. Ngược lại, nếu thí sinh tập trung nâng tầm sản phẩm bánh giò dinh dưỡng dành cho phân khúc thị trường cao cấp, BGK tin thương hiệu Gio's sẽ tiến rất xa.

Thí sinh Thạch Thị Trúc Linh giới thiệu văn hóa Khơ-me qua các sản phẩm từ thốt nốt

Điểm sáng thứ hai của ngày thi cuối cùng là dự án Quán Thotnot, chuyên phục vụ các món ăn từ thốt nốt tại An Giang của thí sinh Thạch Thị Trúc Linh. Với lợi thế am hiểu văn hóa bản địa, Trúc Linh dự tính không chỉ phát triển các món ăn mà còn tạo dựng không gian văn hóa Khơ-me cho thương hiệu Thotnot của mình. Trúc Linh cũng mang đến phòng thi sản phẩm bánh làm từ thốt nốt do chính bạn chế biến.

Giám khảo Thanh Lâm đánh giá thí sinh báo cáo chỉn chu, đề án nghiên cứu căn cơ, trình bày gọn gàng. Giám khảo Bình Bảo nhận xét đây là dự án tốt nhất trong ngày. Giám khảo Phương Lan nhắc nhở "vấn đề duy nhất thí sinh cần thực hiện ngay khi rời phòng thi là đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ".

BGK đánh giá thí sinh có thể triển khai ngay được dự án ra thực tế và khi thương hiệu tại An Giang đã ổn định, thí sinh hoàn toàn có thể triển khai mô hình này tại TP.HCM. Trúc Linh chia sẻ bạn đã tự tin hơn rất nhiều sau những phần gợi ý của BGK.

BGK công bố kết quả ngày thi 28/8
Thí sinh chụp ảnh lưu niệm cùng BGK

Kết thúc 9 ngày thi chung khảo, BGK đã trao 18 giải thưởng TN LVC cho các thí sinh khu vực phía Nam và 6 giải thưởng cho các thí sinh khu vực phía Bắc. 2 thí sinh dự thi trong ngày thi thứ sáu (25/8) được cho phép chuẩn bị lại đề án sẽ bảo vệ đề án trước BGK vào ngày 4/9. Sau ngày này, Hội đồng Giám khảo sẽ công bố danh sách chính thức đoạt GTTNLVC 2014.

LÂM NGHI
Nguồn: www.doanhnhansaigon.vn
iconbx
arrow-topw