Tin tức thị trường

4 thí sinh đầu tiên khu vực miền Bắc đạt GTTNLVC 2014

4 thí sinh đầu tiên khu vực miền Bắc đạt GTTNLVC 2014

Sáng 21/8, các thí sinh khu vực miền Bắc đã bước vào Vòng chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2014. Ngày thi đầu tiên được tổ chức thành 2 buổi thi. 

Buổi sáng, có 5 thí sinh trình bày đề án trước Ban giám khảo (BGK).

Ban giám khảo (ngồi - từ trái qua): TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT, doanh nhân Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, doanh nhân Trần Thái Do - Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Á Đông Silk

Đề án dự thi đầu tiên là “Giáo dục trẻ em thông qua du lịch trải nghiệm KiteEdu” của thí sinh Trương Tuấn Dũng. Giám khảo Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng ĐH FPT đánh giá đây là một ý tưởng tốt, kết hợp du lịch với học tập theo hình thức trải nghiệm và hướng tới học sinh phổ thông. Ngoài ra, mô hình này còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, giám khảo này góp ý, nếu đã là trải nghiệm thì phải trải nghiệm thực tế, chứ không chỉ là trải nghiệm mô phỏng. Bên cạnh đó, nếu đã kết hợp du lịch thì lựa chọn địa điểm hết sức quan trọng, phải làm sao để tiện lợi cho du khách.

Giám khảo Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT khuyên Dũng nên mô tả rõ hơn lý do tại sao lại chọn địa điểm tại Hòa Bình. Bên cạnh đó, đề án có ý tưởng tốt nhưng để triển khai thành đề án kinh doanh thì còn nhiều hạn chế, phải làm sao hấp dẫn với khách hàng hơn nữa.

Thí sinh Trịnh Hồng Nhung dự thi với đề án YOCI - Trung tâm giáo dục vì cộng đồng. Giám khảo Ngô Vi Đồng chưa hài lòng với phần tính toán chi phí, tiêu chuẩn chất lượng giảng viên cũng như chế độ dành cho giảng viên.

> 3 thí sinh đầu tiên đạt Giải thưởng TNLVC 2014

> Ngày thi thứ 2 GTTNLVC: 2 đề án du lịch đạt giải

> Ngày thi thứ 3 GTTNLVC: Internet "lên ngôi"

> 72 thí sinh vào vòng chung khảo GTTNLVC 2014

Giám khảo Trần Thái Do - Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Á Đông Silk đánh giá, ý tưởng này đáp ứng được nhu cầu của nhiều gia đình muốn cho con em học tập nhiều kỹ năng đa dạng. Tuy nhiên, có thể thay đổi tên gọi một chút vì mô hình giáo dục này tập trung vào các gia đình trung lưu. Ngoài ra, Hồng Nhung cũng nên tổ chức lớp học làm bánh ngay tại ngay trung tâm để tránh cho phụ huynh nghĩ mình chỉ là đơn vị trung gian. Cũng nên tập trung vào một nơi để thuận tiện cho các phụ huynh đưa đón con em.

Giám khảo Lê Trường Tùng nhận xét, chi phí tuyển sinh quá ít ỏi so với thực tế. Phải đầu tư marketing thì khách hàng mới tìm đến. Đề án có ý tưởng tốt nhưng mô hình hoạt động nên cân nhắc lại . Ngoài ra, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa thu phí mà sử dụng tình nguyện viên là chưa khả thi vì còn liên quan đến an toàn của học viên.

Đề án “Dự án phát triển và ứng dụng cây sim rừng tại Đà Nẵng” của thí sinh Phan Chí Thành là một trong số đề án tham gia dự thi lần thứ 2. Tuy nhiên, đề án vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện.

Đầu tiên là cần phải nêu bật được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm so với các đối thủ đã có hoặc các đối thủ đi sau. Tiếp đến, Chí Thành phải đưa ra các giải pháp để có thể tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh với các đối thủ khác vì khả năng các đối thủ khác sẽ vượt qua mình khi họ có những đầu tư bài bản hơn, nhiều vốn hơn. Cuối cùng, phần chi phí sản xuất chưa được tính toàn đầy đủ và chi tiết.

Đề án cần phải nêu rõ các điểm như: phân bổ chi phí đầu tư như thế nào? Thuê đất làm sao? Cây giống như thế nào? Đầu tư nhà xưởng và quy trình khép kín để sản xuất ra các thành phẩm như thế nào? Để đề án thuyết phục nhà đầu tư cần phải phân tích tài chính rất chi tiết, và tỉnh táo. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là ưu tiên hàng đầu phải quan tâm.

Giám khảo Trần Thái Do lo rằng dự án đưa ra nhiều tham số định tính hơn định lượng nên sẽ rất khó kiểm soát.

Thí sinh Vũ Anh Thư dự thi với đề án VFruit. Đề án được đánh giá là có ý tưởng tốt. Tuy nhiên, cả 3 giám khảo đều góp ý thêm nhiều điểm để chỉnh sửa như: cần tính toán rất kỹ các phương án vận chuyển, kho hàng, vì hoa quả là một loại hàng hóa rất "khó tính". Ngoài ta, thí sinh cần phải phân tích và chứng minh được khả năng cạnh tranh với các siêu thị lớn và nhỏ hiện có trên thị trường, vì họ chỉ cần mở thêm kênh mua bán online là sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, số lượng và chi phí nhân công cần cân nhắc lại vì chi phí nhân công còn rẻ và số lượng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Cuối cùng, cần phải tính toán lại chi phí đầu tư để đảm bảo hàng hóa đạt chuẩn VietGAP.

Thí sinh cuối cùng dự thi trong ngày là Trần Thị Trang với đề án “Đồ da handmade”. Giám khảo Trần Thái Do, người vốn có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thời trang, đưa ra đánh giá: “Khi người ta hướng đến đồ thủ công là hướng tới sự tinh xảo chứ không hướng tới sự thô sơ. Nếu sản phẩm của mình lại không đạt được đến mức đó thì khó thuyết phục, đặc biệt là phân khúc người tiêu dùng cao cấp”.

Các giám khảo đánh giá cao ý tưởng đề tài nhưng nhận xét, một khi đã làm sản phẩm thủ công thì sản phẩm phải có sự đặc sắc, tinh xảo. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cũng rất quan trọng. Khi khoanh vùng đối tượng khách hàng không nên gói gọn mà nên hướng đến những người thu nhập trung bình có gu thẩm mĩ cao.

Kết thúc buổi thi sáng, 3 thí sinh Trần Thị Trang, Trương Tuấn Dũng và Trịnh Hồng Nhung đã được công nhận đạt GTTNLVC 2014.

BGK và 3 thí sinh đạt GTTNLVC 2014 sau buổi thi sáng 21/8 tại Hà Nội

Buổi chiều cùng ngày có 4 thí sinh dự thi.

Thí sinh Đào Mạnh Chiến trình bày đề án Ứng dụng điện thoại hỗ trợ khách du lịch Vietguider. Ý tưởng tạo ra một sản phẩm nhằm giúp du khách có công cụ tìm kiếm dễ dàng nhất của Chiến được giám khảo Ngô Vi Đồng đánh giá tốt. Tuy nhiên, cái chủ đạo của đề tài là phần mềm ứng dụng thì lại chưa được đề cập, phân tích một cách kỹ lưỡng, chưa có phần tính toán chi phí cho nhân công lập trình, nhân sự duy trì và bảo dưỡng phần mềm...

Giám khảo Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch HĐQT-TGĐ Công ty Giao nhận vận tải Mỹ Á đồng quan điểm trong nhận xét về ý tưởng của Chiến, tuy nhiên lưu ý Chiến một số điểm quan trọng: Xác định mô hình kinh doanh (những người sẽ hợp tác trong vai trò cổ đông sáng lập hay cộng tác viên của công ty), xác định khách hàng tiềm năng và cơ sở để tính đơn giá cho sản phẩm, kế hoạch tài chính cần tính toán lại cho phù hợp.

Ban giám khảo (ngồi - từ trái qua): Doanh nhân Trần Thái Do - Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Á Đông Silk, doanh nhân Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch HĐQT-TGĐ Công ty Giao nhận vận tải Mỹ Á, doanh nhân Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT

Giám khảo Trần Thái Do cũng nhắc Chiến cần miêu tả và phân tích rõ hơn làm sao để giữ các thông tin trong chương trình trung thực và khách quan, đồng thời phải phân tích cách thức để cạnh tranh với các đối thủ hiện tại.

Ý tưởng Trạm phát triển sáng tạo KidsHub của thí sinh Nguyễn Nam Phương được các giám khảo đánh giá tốt. Tuy nhiên, để chứng minh tính khả thi của dự án thì Phương phải tính toán lại và phân tích kỹ các yếu tố sau:

- Giáo trình cho các môn học lấy từ nguồn nào? Cách tính chi phí như thế nào? Cơ sở nào để chứng minh chất lượng đào tạo với các phụ huynh?

- Chi phí dự kiến cho 1 khóa học tương đối cao nên sẽ phù hợp với các gia đình có thu nhập trung hoặc cao, nhưng các gia đình này thì thường cho con học các trường quốc tế hoặc công lập, mà các trường này đều đào tạo các kỹ năng tương tự trong đề án, do vậy họ sẽ không tham gia. Làm cách nào để giải bài toán này?

- Cần có cơ sở để thuyết phục về chất lượng giáo viên và người hướng dẫn.

- Làm sao để cạnh tranh được với các đơn vị đã đầu tư các dịch vụ tương tự một cách rất bài bản như kizciti...

Thí sinh thứ ba trình bày đề án với BGK trong buổi chiều là Đào Mạnh Tân, với đề án Dịch vụ điều tra thị trường trực tuyến trên mobile - eSurvey. Ý tưởng của Tân được các giám khảo đánh giá là rất hay và đáp ứng đúng nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, các giám khảo cũng nhắc Tân cần lưu ý một số vấn đề:

- Xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu để có nguồn thu trong giai đoạn đầu.

- Đầu tư nhiều về thuật toán để chọn lọc các thành viên tích cực và lọc bỏ những thành viên đưa các thông tin không hữu ích.

- Có thể cung cấp thêm dịch vụ tư vấn tạo form khảo sát và đặt các câu hỏi khảo sát.

- Cần tính toán lại phần chi phí vì giá thành của 1 gói dịch vụ có vẻ quá thấp.

- Cần phân tích làm sao đảm bảo sự trung thực của các bản survey.

- Nhân sự tham gia / cộng tác có đủ năng lực xây dựng các câu hỏi khảo sát không, vì có những nội dung khảo sát rất phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức về xã hội hay ngành nghề nhất định.

Thí sinh cuối cùng dự thi là Phạm Hải Yến với đề án TREdu – Nâng tầm tri thức Việt. Phần phân tích tài chính của Yến được các giám khảo đánh giá cao. Ngoài ra, Yến cũng nhận được một số góp ý từ BGK:

- Cần khảo sát thực tế để lựa chọn địa điểm thích hợp.

- Chi phí lương phải tăng tương ứng với số lượng khách hàng. Mức lương cũng phải tính theo thực tế thị trường.

- Sản phẩm xây dựng cho mỗi lứa tuổi cần có sự khác biệt.

- Xác định đối thủ cạnh tranh để có chiến lược kinh doanh phù hợp....

Kết thúc phần thi buổi chiều, thí sinh Đào Mạnh Tân được công nhận đạt GTTNLVC 2014.

BGK và thí sinh đạt GTTNLVC 2014 sau buổi thi chiều 21/8 tại Hà Nội

Như vậy, sau ngày thi đầu tiên ở khu vực miền Bắc, có 4 thí sinh đã được công nhận đạt GTTNLVC 2014 gồm: Trần Thị Trang, Trương Tuấn Dũng, Trịnh Hồng Nhung và Đào Mạnh Tân.

PHÚC AN tổng hợp