Ngày 8-12, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 3662/QĐ-TCHQ về việc ban hành Quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XK, NK, quá cảnh; hành lý và phương tiện vận tải (PTVT) XC, NC, quá cảnh theo mô hình này. Quy trình này gồm 16 điều được xây dựng dựa trên Bản Thỏa thuận giữa Bộ Tài chính hai nước Việt Nam-Lào đã ký về triển khai Bước 4 của mô hình kiểm tra “Một cửa, một điểm dừng” (Cùng kiểm tra Hải quan và kiểm dịch tại khu vực kiểm tra chung (CCA), và thụ lý/xử lý giấy tờ thông quan, kiểm dịch và XNC tại nước Nhập).
Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan Nguyễn Anh Tuấn, khi thực hiện mô hình kiểm tra “Một cửa, một điểm dừng”, phương tiện vận tải (PTVT), hàng hóa (trừ động vật sống) phải tuân theo các thủ tục hải quan do cơ quan Hải quan Việt Nam và cơ quan Hải quan Lào cùng phối hợp thực hiện đồng thời hoặc gần như đồng thời tại nước Nhập.
Tức là, PTVT và hàng hóa (trừ động vật sống) chỉ phải làm thủ tục hải quan tại khu vực kiểm tra chung (CCA) đặt trên lãnh thổ nước Nhập, không phải làm thủ tục hải quan tại nước Xuất. Đối với hàng hóa và PTVT là đối tượng kiểm tra chung của cơ quan Hải quan hai nước, cơ quan Hải quan hai nước sẽ phối hợp kiểm tra hàng hóa ngay sau khi hàng hóa và PTVT được khai báo để đảm bảo quá trình thông quan hàng hóa đúng thời hạn.
Hành lý, hàng hóa của hành khách XNC, PTVT thương mại (như xe khách…) hoặc phi thương mại (xe cá nhân, tổ chức) không tham gia vào quá trình vận chuyển hàng hóa, phải tuân thủ theo các thủ tục hải quan do cơ quan Hải quan Việt Nam và cơ quan Hải quan Lào cùng phồi hợp thực hiện đồng thời hoặc gần như đồng thời tại Trạm Kiểm soát biên giới cửa nước Nhập… Động vật sống phải làm thủ tục thông quan tại nước Xuất do các cơ quan chức năng của hai nước cùng tiền hành đồng thời.
Hàng hóa quá cảnh còn nguyên niêm phong hải quan thì được miễn kiểm tra thực tế; trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc nghi ngờ có vi phạm pháp luật hải quan của một trong hai nước thì hàng hóa đó sẽ được cơ quan Hải quan hai nước kiểm tra thực tế đồng thời hoặc gần như đồng thời tại nước Nhập.
Có thể nói việc chính thức triển khai mô hình kiểm tra “Một cửa, một điểm dừng” là điều kiện để cơ quan Hải quan tiếp tục khẳng định mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thu hút đầu tư, du lịch… trên địa bàn. Đơn cử như khi DN tham gia hoạt động XNK qua cặp cửa khẩu Lao Bảo-Đen Sa Vẳn, thay vì phải dừng kiểm tra hai lần tại cửa khẩu Xuất-Nhập, thì chỉ phải dừng 1 lần tại cửa khẩu Nhập.
Nhờ đó, DN không chỉ được hưởng lợi trong việc rút ngắn thời gian thông quan, mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí. Bên cạnh mục tiêu tạo thuận lợi, ngay trong quy trình thủ tục, cơ quan Hải quan luôn đảm bảo quản lý chặt chẽ. Qua đó, căn cứ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa và PTVT và hồ sơ khai báo, cơ quan Hải quan hai nước sẽ linh hoạt xử lý đối với DN sai phạm phù hợp với luật pháp mỗi bên.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đối với xử lý hàng hóa, PTVT vi phạm pháp luật hải quan tại CCA ở cửa khẩu Lao Bảo, trong quá trình kiểm tra hải quan nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và hàng hóa, PTVT là tang vật vi phạm thì lập biên bản vi phạm pháp luật. Biên bản thể hiện rõ tên chủng loại, số lượng hàng hóa là tang vật vi phạm buộc quay trở lại để xử lý; thông báo bằng văn bản cho Hải quan Lào về hành vi vi phạm, việc tạm giữa người, tạm giữ phương tiện vi phạm (nếu có) kèm theo các tài liệu liên quan như bản sao Biên bản vi phạm, Biên bản tạm giữ người…
Đối với trường hợp phát hiện động vật sống vi phạm pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật của Việt Nam để xử lý. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra Hải quan nếu Hải quan Lào phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của nước Lào và hàng hóa, PTVT là tang vật vi phạm buộc quay trở lại Lào thì trên cơ sở thông báo và biên bản vi phạm của Hải quan Lào tổ chức giám sát hàng hóa, PTVT quay trở lại Lào.
Trong trường hợp hàng hóa, PTVT vi phạm pháp luật hải quan hai nước, đối với hàng hóa NK từ Lào vào Việt Nam thì sẽ xử lý vi phạm theo quy định pháp luật Việt Nam và ngược lại. Sau khi xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam, trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ nhưng không tịch thu thì ban giao cho cơ quan Hải quan Lào xử lý. Đối với động vật sống XK sang Lào, nếu vi phạm pháp luật hai nước và pháp luật hai nước được áp dụng thì ưu tiên áp dụng pháp luật Việt Nam trước.
Theo Báo Hải Quan