Tin tức thị trường

Bình Dương: Tiềm năng và lợi thế phát triển logistics

Bình Dương: Tiềm năng và lợi thế phát triển logistics

 

Theo thống kê của bộ kế hoạch & đầu tư, quý I/2016, Bình Dương xếp thứ 3 trong thu hút nguồn vốn FDI, với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 371 triệu USD, chiếm 9,2% trong tổng vốn đầu tư. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới để tăng cường và mở rộng sản xuất, trong đó, việc đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics, gia tăng giá trị hàng hóa trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn mới.

Tiềm năng và lợi thế

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có các lợi thế về vị trí địa lý như: giáp TP.HCM và Đồng Nai - 2 địa phương có nền kinh tế sôi động bậc nhất cả nước, luôn đứng trong top đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển đồng bộ, kết nối với nhiều vùng kinh tế khác trong cả nước và quốc tế.

Bình Dương tập trung nhiều KCN hiện đại, quy mô lớn, có khối lượng sản xuất lớn với đa dạng các chủng loại sản phẩm xuất khẩu tạo nguồn hàng dồi dào cho các hoạt động dịch vụ logistics.

Hiện tại, hạ tầng logistics Bình Dương phát triển khá đồng bộ, có khả năng phục vụ tốt cho các hoạt của ngành, bao gồm:

- Hệ thống cảng sông: có cảng An Sơn, cảng Thạnh Phước, cảng Bình Dương, cảng Bà Lụa.

- Hệ thống cảng cảng cạn (ICD): có 2 ICD đang hoạt động là ICD Sóng Thần và Cụm cảng - Trung tâm logistics Dĩ An.

- Hệ thống kho bãi hàng hóa: hiện đang có khoảng 48 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm các hoạt động như: vận tải và cho thuê container, xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ tư vấn hỗ trợ xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan, dịch vụ bán cước phí tàu biển,… cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh và trong khu vực.

- Hệ thống giao thông đường bộ: đang gấp rút hoàn thành các tuyến đường trọng điểm như: đường Mỹ Phước – Tân Vạn; đường ĐT.743; đường ĐT.744; đường ĐT.746; đường ĐT.747B; đường ven sông Sài Gòn trên đại bàn thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Thuận An; đường vào Trung tâm hành chính tập trung; đường Hội Nghĩa – Cổng Xanh; đường Mười Muộn – Tân Thành;… gắn kết mạng lưới giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

- Dịch vụ hải quan và kho ngoại quan: năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có 21 kho ngoại quan, 4 kho gom hàng lẻ (kho CFS) và 29 Đại lý hải quan đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp và các cảng sông, cảng ICD hiện hữu.

Định hướng phát triển

Ở cấp độ Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có chú trọng phát triển ở tỉnh Bình Dương.

Ở cấp độ địa phương, tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch số 3905/KH-UBND ban ngày 28.12.2012 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics, đặc biệt là xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ; nạo vét, khai thông hệ thống đường sông. Đồng thời, kêu gọi đầu tư vào các cảng cạn, các cảng sông đã được quy hoạch nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng các dịch vụ logistics ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển ngành logistics của tỉnh, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp cùng Tạp chí Vietnam Logistics Review dự kiến sẽ tổ chức Hội thảo “Bình Dương: Tiềm năng và lợi thế phát triển logistics”, giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030 vào cuối tháng 6.2016.

Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá thực trạng và tìm kiếm những giải pháp phát triển tối đa tiềm năng và lợi thế của ngành dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Qua đó, tạo cầu nối, gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hải quan, thuế với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Đây là dịp để các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bày tỏ những quan điểm, vướng mắc cần được hỗ trợ đồng thời đưa ra những sáng kiến mới tạo thuận lợi chung cho các doanh nghiệp trong quá trình phát triển.

 

Hồng Út
Nguồn: www.vlr.vn