Ngày 28/09/2022
Giao thương Việt Nam-EU đã tăng trưởng khá tích cực sau hơn 2 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) thực thi. Tuy nhiên, để giảm áp lực về chi phí logistics, tăng tốc XK vào EU, thời gian tới cần chú trọng hơn các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN dịch vụ logistics nói riêng, ngành logistics nói chung.
Việt Nam nên phát triển trung tâm logistics tại các cảng lớn để đảm bảo được lượng tàu vào ra cho phù hợp.
EU là một trong những thị trường truyền thống của Việt Nam. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, sau khi EVFTA có hiệu lực, khối lượng thương mại hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam-EU gia tăng rất nhiều, đặc biệt trong đó có những mặt hàng có khối lượng vận chuyển lớn là hàng dệt may, da giày, thủy sản.
2 năm qua dù đối mặt nhiều khó khăn song nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU tăng trưởng khá tích cực. Năm 2021, XK của Việt Nam sang EU tăng 14% so với năm 2020; 8 tháng năm 2022, XK tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, EVFTA là một trong những FTA thế hệ mới có tỷ lệ tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi khá cao. Năm 2021, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi khoảng 14% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Con số tận dụng C/O ưu đãi từ đầu năm đến nay khoảng gần 25%.
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng cho rằng, chi phí logistics vẫn là câu chuyện khá “đau đầu”. Thời gian vừa qua, logistics là chi phí rất lớn trong cấu thành giá trị của sản phẩm. Giai đoạn khó khăn như năm 2021, chi phí logistics tăng hàng chục lần. Đây cũng là điểm rất khó khăn để các DN cân đối chi phí trong sản xuất.
Ông Trần Thanh Hải phân tích thêm, trong quan hệ thương mại Việt Nam-EU, khoảng cách địa lý xa xôi cũng là vấn đề tiềm ẩn rủi ro. Về tổng thể, các DN logistics có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy hoạt động thương mại song phương. Tuy nhiên khi phân tích kỹ lưỡng có thể thấy, trong quan hệ này các DN logistics của EU có lợi thế là quy mô lớn, kinh nghiệm hoạt động lâu năm.
Một số chuyên gia trong ngành logistics nhìn nhận, sự chênh lệch về năng lực khiến các DN logistics Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt với các DN logistics của EU, vốn rất mạnh và chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Trong đó hiện nhiều DN logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam như các tập đoàn DHL Group, Kuehne + Nagel, DB Schenker, Maersk...
Thừa nhận rất khó cạnh tranh về logistics với các “ông lớn” nước ngoài, ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group chia sẻ: "Tạm thời chúng tôi là những đại lý, gọi là hợp tác với các hãng lớn làm thầu phụ cho họ, để gia tăng sự hiện diện của chúng tôi đối với các DN châu Âu cũng như tăng thêm công việc".
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trước cơ hội mở ra từ EVFTA, ngành logistics Việt không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh với các DN logistics EU mà chính các DN Việt Nam cũng sẽ cạnh tranh lẫn nhau để giành nguồn hàng. “Cơ hội có nhưng có tận dụng được hay không lại là chuyện khác. DN logistics Việt thiếu vốn, thiếu công nghệ và còn hạn về nhân lực”, ông Ngô Chung Khanh nói.
Điều khiến ông Hoàng Khánh Nhựt băn khoăn hơn cả là Việt Nam thiếu các hãng tàu khiến hàng XK bị các hãng tàu nước ngoài chi phối, gây không ít khó khăn cho DN XK. "Đặc biệt là những thời điểm như Trung Quốc phong tỏa vì chiến lược Zero-Covid, nếu không điều động được container rỗng thì Việt Nam không chủ động được nguồn tàu, dẫn tới không kiểm soát được các chi phí đó", ông Nhựt nói.
Đại diện Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng kiến nghị Việt Nam nên phát triển trung tâm logistics tại các cảng lớn để đảm bảo được lượng tàu vào ra cho phù hợp. Đồng thời, Việt Nam cũng cần đầu tư các hãng tàu để giữ thế chủ động, tiến tới làm chủ “cuộc chơi”.
Ông Mai Trần Thuật chia sẻ, để nâng cao năng lực, bản thân DN cũng xác định phải có những cải tiến nội bộ. Ví dụ, DN phải đầu tư nhiều tiền vào công nghệ, mua những công nghệ từ nước ngoài cũng như phần mềm nhằm đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ các công ty logistics nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, muốn hợp tác, liên kết với DN. Bên cạnh đó, DN cũng chú trọng tới cơ sở vật chất, hạ tầng, hệ thống gom hàng cho các DN nước ngoài. Bên cạnh sự “tự thân vận động” của DN, ông Thuật hy vọng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ có những chính sách hỗ trợ DN logistics phù hợp trong thời gian tới.
Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ngành logistics phát triển, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải thông tin, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã dành sự quan tâm rất lớn.
“Chúng ta nhìn thấy sự thay đổi rất mạnh mẽ ở trong các lĩnh vực như hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông thông qua việc mở rộng thêm các tuyến đường, xây dựng tuyến cao tốc mới, có những cảng biển, sân bay mới…. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics với tầm nhìn dài hạn hơn so với kế hoạch hành động trước đây; đặt cơ sở nền móng để hỗ trợ cho các DN logistics của Việt Nam, tiến tới đồng hành giúp các DN XNK vươn ra thị trường thế giới tốt hơn”, ông Hải nói.
Nguồn: Báo Hải quan online
Amerasian Shipping Logistics Corp.
(+84)28 3512 9759
(+84)28 3512 9758
pricing@asl-corp.com.vn
mdirector@asl-corp.com.vn
www.asl-corp.com.vn