Tin tức thị trường

NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG TRONG THƯƠNG MẠI VIỆT - MỸ

Xuất phát từ con số không, thương mại song phương Việt – Mỹ ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Việt Nam hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ luôn là đối tác quan trọng, thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

​Sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại song phương Việt - Mỹ đã có bước tăng trưởng nhảy vọt đầy ấn tượng. Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực (Tháng 12/2001), thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ tăng tới 47 lần với tốc độ tăng xuất khẩu trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2017 bình quân đạt 28,1%/năm. Tốc độ tăng của hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ cũng đạt mức bình quân 22,2%/năm. Các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ là: hàng dệt may, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, linh kiện…

Dù xuất khẩu trong năm 2020 chịu nhiều ảnh hưởng do tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn tăng hơn 19,8% sơ với cùng kỳ năm 2019, đạt giá trị 90,8 tỷ USD, riêng nhập khẩu từ Mỹ khoảng 13,7% trong khi đó xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ ghi nhận 63,4 tỷ USD.

Thương mại song phương tiếp tục được duy trì trong 8 tháng 2021, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD. Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập từ Mỹ 8,97 tỷ USD, tăng 10,6%.nViệt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ mười của Mỹ trên toàn thế giới, vượt qua cả Ấn Độ và Pháp.

Trong khi đó, cơ hội xuất khẩu hàng sang Mỹ của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh và không có dấu hiệu chậm lại nhờ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam để sản xuất hàng đi Mỹ.

Rõ ràng, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho nhiều thị trường toàn cầu, trong đó có  Mỹ. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 đang bùng phát tại Việt Nam đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng, do nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay là tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng để giảm bớt ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước nhà.

Theo: Bộ Công Thương - Cục Công nghiệp