Tin tức thị trường

PHÁT TRIỂN XANH LÀ YÊU CẦU BẮT BUỘC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP LOGISTICS

Ngày 16/07/2024

Tiến tới xanh, thân thiện với môi trường là điều không đơn giản, rất nhiều những rào cản phải vượt qua, nhưng đây không còn là lựa chọn mà là bắt buộc cho các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh mới...

Tại tọa đàm “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025" diễn ra vào chiều 9/7, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường.

Xanh từ tư duy đến chính sách

Con số đưa ra tại toạ đàm cho thấy, hiện nay, ngành vận tải nói chung đóng góp 24% lượng khí thải toàn cầu. Trong lĩnh vực logistics Việt Nam, trên 50% là chi phí vận tải, vì vậy lượng khí thải rất lớn. Còn theo Cục Đường Thuỷ nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, trong hoạt động logistics, chi phí vận tải chiếm đến 60 – 70% trong hoạt động logistics.

Do đó, xanh hóa logistics không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại tọa đàm.

Khi các mắt xích này đều “xanh” thì doanh nghiệp sẽ nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh bền vững xoay quanh doanh nghiệp. Từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.

Theo ông Vinh, phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai mà phải là ngay bây giờ, cũng không còn là lựa chọn mà là sự bắt buộc. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, Chính phủ cần có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, như: có cơ chế ưu đãi về thuế, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính…

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Western Pacific Group (WPG), khuyến nghị ngoài việc chuyển dịch năng lượng trong vận tải cần có sự quy hoạch đồng bộ giữa nhà sản xuất và các trung tâm logistics nhằm giúp tối ưu hóa chặng đường vận tải. Trong giải pháp này, sự điều tiết của Chính phủ là vấn đề quan trọng và rõ ràng nhất.

Mặt khác, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo gắn với logistics xanh. Ví dụ 1 ha kho bãi có thể đầu tư 1 MW năng lượng tái tạo, tương ứng 20.000 cây xanh và giảm khoảng 1400 khí thải CO2.

Mặt khác, Chính phủ cần tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Theo ông Stanley Lim, Tổng thư ký liên đoàn Giao thông vận tải ASEAN, việc tạo ra một nền kinh tế bền vững và có sức chống chịu là vấn đề cấp thiết của mỗi quốc gia. Để được như vậy, mỗi Chính phủ phải có vai trò lãnh đạo tất cả các ngành, các bên có liên quan không phải chỉ bằng những hỗ trợ mà phải có những chính sách với những ngành cụ thể, về cả logistics, các ngành sản xuất, các ngành dịch vụ khác nữa.

“Đây là câu chuyện liên quan đến hệ tư duy, phải thay đổi để thích ứng với những cạnh tranh trên thế giới. Ngược lại, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, nâng cao trách nhiệm của mình trong tham gia vào logistics bền vững”, ông Stanley Lim nhấn mạnh.

Cách thức nào cho doanh nghiệp logistics?

Đối với doanh nghiệp logistics Việt Nam, cần bắt đầu xanh hoá từ đâu khi trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng chuyển đổi xanh với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng.

Đây vẫn là bài toán khó và thách thức với các doanh nghiệp. Bởi hiện nay, các phương tiện vận tải hành khách cỡ nhỏ đã bước đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải lớn vẫn chưa chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Theo ông Hải, các doanh nghiệp có thể tìm cách thức tiết kiệm năng lượng trong quá trình hoạt động, như sử dụng các phương tiện có hiệu suất cao hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần năng cao hiệu suất, hiệu quả trong quy trình làm việc. Đây là một yếu tố góp phần nâng cao khả năng thích ứng nhanh trong bối cảnh mới.

Bên cạnh vai trò của Chính phủ, theo ông Stanley Lim, Tổng thư ký liên đoàn Giao thông vận tải AÁEAN, các hiệp hội cũng đóng vai trò quan trọng, với trách nhiệm đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong ngành, từng vị trí, từng con người phải nâng cao năng lực và kỹ năng của mình… Như thế mới có thể chuyển mình, tận dụng được công nghệ, giảm thiểu được các lượng thải carbon, giảm thiểu các chi phí của việc vận hành, từ đó nâng cao được năng lực sản xuất, nâng cao doanh thu.

Còn theo Phó Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển logistics xanh, thậm chí đã xác định mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược của doanh nghiệp, cần thường xuyên rà soát nội dung chiến lược và tình hình thực hiện phát triển logistics xanh để có điều chỉnh phù hợp, đúng thực tiễn.

Ngoài ra, cần tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng mới và sử dụng phương tiện bảo vệ môi trường để thúc đẩy sự phát triển sạch và hiệu quả.

Nguồn: VnEconomy

iconbx
arrow-topw