Tin tức thị trường

TP.HCM đầu tư hạ tầng để giảm chi phí logistics

asl-corp.com.vn –  Hội thảo "Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành logistics TP" do Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức chiều 30-11, thu hút sự quan tâm của các sở ngành, chuyên gia và doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã đến tham dự.

TP.HCM đầu tư hạ tầng để giảm chi phí logistics - Ảnh 1.
Lãnh đạo UBND TP tham dự hội thảo "Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành logistics TP" - Ảnh: THU DUNG

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP - nhấn mạnh ngành logistics ở TP đang trên đà tăng trưởng cao. 

Tuy nhiên hiện việc đầu tư cho lĩnh vực chưa nhiều, hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy chậm đầu tư, sân bay quá tải từ lâu. Do tính cục bộ đó, chi phí nhân lực, chi phí logistics cao... ngành logistics chưa thể bứt phá. 

Thực tế, TP.HCM có hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động ngành logistics nhưng theo khảo sát, đa số làm lại dịch vụ cho nước ngoài, chi phí chưa thống nhất, cạnh tranh không lành mạnh. 

TP.HCM đầu tư hạ tầng để giảm chi phí logistics - Ảnh 2.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ nêu ra những hạn chế về hạ tầng cần khắc phục để phát huy tiềm năng logistics TP - Ảnh: THU DUNG

Trong khi đó, theo ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hải quan TP, dự báo ngành có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Chỉ trong năm 2021, mức tăng trưởng đạt 116 tỉ USD, tăng cao so với năm 2020, bất chấp dịch bệnh COVID-19 hoành hành. 

Trong những năm tới, TP cần tập trung nguồn vốn cho hạ tầng giao thông, phát triển những cụm cảng có sẵn như Cát Lái, Hiệp Phước - Nhà Bè. Đồng thời áp dụng công nghệ 4.0 trong phát triển, tạo tiền đề liên kết vùng. 

 

Trước ý kiến này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho biết TP đang nghiên cứu chính sách phát triển hạ tầng giao thông, hoàn chỉnh quy hoạch pháp lý xây dựng 7 trung tâm logistics chuyên nghiệp. TP hoàn toàn đủ năng lực tự tổ chức dịch vụ cạnh tranh với các nước trên thế giới. 

"Khi hạ tầng giao thông đáp ứng đầy đủ, chi phí logistics giảm, theo đó chúng ta chủ động liên kết vùng thành đòn bẩy tăng cường dịch vụ cung ứng, chuyên môn hóa…", ông Vũ nói. 

Kết luận buổi hội thảo, ông Phan Văn Mãi nhận định TP vừa trải qua đại dịch, hoạt động logistics vẫn duy trì các chuỗi cung ứng vật tư, y tế hàng hóa... Ngành logistics phải được đầu tư phát triển đúng với tiềm năng của ngành. 

"Trong sự phát triển kinh tế - xã hội TP thời gian tới không thể thiếu hoạt động logistics. Tôi mong Hiệp hội Logistics căn cứ thực tế đưa ra kiến nghị về chính sách, đầu tư... Sở Công thương TP luôn sẵn sàng kết nối, hỗ trợ giúp ngành logistics đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, thậm chí vượt xa mục tiêu đó", ông Mãi khẳng định. 

Mới đây, UBND TP cũng vừa ban hành quyết định kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP đạt 15% và đến năm 2030 đạt 20%. Đến năm 2025, tỉ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%.

Trong năm 2021 hoàn tất đấu thầu mời gọi đầu tư Trung tâm logistics Khu công nghệ cao. Đến năm 2023, hoàn thành chuẩn bị đầu tư Trung tâm logistics Cát Lái và Trung tâm logistics Linh Trung.

Đến năm 2025, hoàn thành việc thiết lập bản đồ số logistics, khu dữ liệu tập trung và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ logistics. TP góp phần kéo giảm tỉ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 10%-15%.

Đến năm 2025, tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% và đến năm 2030 đạt 70%.

Theo tuoitre.vn