Tin tức thị trường

Việt Nam có thể gặp khó về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu nếu căng thẳng Ukraine kéo dài

Bộ Công Thương cho rằng nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước; trong đó có Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung một số nguyên, nhiên liệu trong vài năm tới.

 

 

Căng thẳng Nga-Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và thế giới. (Ảnh: AFP)

Theo TTXVN, đánh giá về những căng thẳng chính trị hiện nay giữa Liên bang Nga-Ukraine sẽ tác động như nào đến hoạt động giao thương giữa Việt Nam với hai thị trường này, đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện còn quá sớm để đánh giá về những tác động có thể xuất hiện trong hoạt động giao thương giữa Việt Nam với hai nước trên. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại song phương giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Ukraine trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, căng thẳng chính trị hiện nay giữa Liên bang Nga-Ukraine đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt-dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, nickel, ngô... do thị phần sản xuất và xuất khẩu của các nước trên rất lớn.

Liên bang Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu và khoảng 2,5 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 10% kim ngạch thương mại toàn cầu.

Hơn nữa, Liên bang Nga cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu và khách hàng lớn nhất của nước này là châu Âu; đối với mặt hàng nhôm và nickel, Liên bang Nga cũng là nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới.

Riêng đối với mặt hàng lúa mỳ, Liên bang Nga và Ukraine chiếm tới 1/4 nguồn cung xuất khẩu lúa mỳ của thế giới). Do đó nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước; trong đó có Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu trên trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, chiến tranh tại Ukraine nếu còn kéo dài sẽ khiến nền kinh tế của Ukraina bị ảnh hưởng mạnh và sẽ tập trung xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Do đó, thương mại giữa Việt Nam và Ukraine khó có tăng trưởng trong khoảng 1-2 năm tới.

Về dài hạn, các lệnh trừng phạt về kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây nhằm vào Liên bang Nga liên tiếp trong thời gian vừa qua, nhất là trong những ngày gần đây Mỹ, EU và nhiều nước đã đưa ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Liên bang Nga, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như tài chính-ngân hàng, trái phiếu chính phủ, xuất khẩu công nghệ, năng lượng...

Nhiều khả năng các nước tiếp tục áp thêm các lệnh trừng phạt, ở diện rộng và sâu (tới các chi nhánh, công ty con, trừng phạt thứ cấp...) khiến việc hợp tác về thương mại và đầu tư với Nga gặp khó khăn trong thời gian tới.

Hiện nay, các nước phương Tây chưa ra quyết định trừng phạt cụ thể nên các hợp đồng sử dụng đồng nội tệ VND-RUB hoặc Euro vẫn còn chưa vướng vấn đề thanh toán. Trong thời gian tới, EU dự kiến sẽ áp dụng trừng phạt toàn diện với Nga và khi đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến thương mại song phương Việt Nam-Nga, chủ yếu ở khâu thanh toán đối với các hợp đồng sử dụng đồng thanh toán là Euro.

 

Hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, cũng như những diễn biến mới đây về chính trị ngoại giao giữa Hoa Kỳ, các nước phương Tây-Nga-Ukraine, Bộ Công Thương đã gửi các hiệp hội và doanh nghiệp khuyến cáo lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm chễ giao do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán, đặc biệt là đối với các hợp đồng thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng).

Do vậy, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng với khác hàng nước ngoài trong thời gian tới.

Các phương thức an toàn như Thư tín dụng không hủy ngang (Irrevocable Letter of Credit) nên được xem xét áp dụng để thay thế cho các phương thức khác kém an toàn hơn, uy tín, cũng như khả năng thanh toán của các ngân hàng thanh toán (đặc biệt là trong bối cảnh cấm vận) cũng cần phải được xem xét thấu đáo trước khi giao kết hợp đồng.

Đối với Liên bang Nga, các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi về diễn biến sắp tới liên quan đến cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây đối với Liên bang Nga (và khả năng là với cả Belarus) để đàm phán phương thức thanh toán phù hợp.

Hơn nữa, các đơn hàng trị giá nhỏ, doanh nghiệp có thể thanh toán qua kênh thanh toán KFT do Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) xây dựng. Đến nay, qua 5 năm triển khai, hệ thống KFT đã hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, có khả năng phục vụ tốt cho hoạt động thanh toán song phương giữa hai nước.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang làm ăn tại Liên bang Nga và Ukraine, nếu gặp khó khăn trong giao dịch cần chủ động liên hệ với bộ phận Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và Ukraine để tìm hướng tháo gỡ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nghiên cứu để mở rộng thêm thị trường các nước trong khu vực Á-Âu, đặc biệt là các thị trường có nhiều điểm tương đồng với thị trường Liên bang Nga và Ukraine như thị trường ổn định thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Uzbekistan, Azerbaijan...

Thống kê từ Bộ Công Thương, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ukraine năm 2021 đạt 720,5 triệu USD, tăng 50,6% so với năm 2020; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 344,6 triệu USD, tăng 21%, nhập khẩu từ Ukraine đạt 375,8 triệu USD, tăng 94,2%.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm điện thoại và linh kiện, nông sản, thủy sản, giày dép các loại, máy móc và thiết bị phụ tùng, máy vi tính và sản phẩm điện tử... Việt Nam nhập khẩu từ Ukraine các sản phẩm lúa mỳ, sản phẩm từ sắt thép, máy móc, dụng cụ, phụ tùng và các hàng hóa khác.

Trong tháng 1 năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 37,9 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ukraine đạt 32,5 triệu USD, tăng 18,4%, nhập khẩu từ Ukraine đạt 5,4 triệu USD, giảm nhẹ 3,5%. Việt Nam xuất siêu 27,1 triệu USD, tăng 24,2% so với tháng 1 năm 2021 (21,8 triệu USD).

Tuy kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn giữ mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song con số này vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của mỗi nước. Thương mại song phương giữa Việt Nam và Ukraine chỉ chiếm 0,1% kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới.

Ngoài ra, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD tăng 13,8% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, tăng 13,2% và nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 14,9%.

Chuyên gia thương mại nhận định, các con số thống kê có thể thấy Ukraina và Liên bang Nga đều là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong khu vực Á-Âu. Nếu xét về kim ngạch thương mại với Việt Nam, Liên bang Nga xếp vị trí thứ 1 và Ukraine xếp ở vị trí thứ 6.

Nguồn: thuonghieusanpham.vn