Lý do di dời cụm ICD Trường Thọ mà UBND TP HCM đưa ra là hoạt động của cụm cảng làm ùn tắc tại nút giao MK trên xa lộ Hà Nội (cách cụm cảng khoảng 500m). Theo đó, tháng 11 năm 2014, UBND TP HCM có Công văn số 5894/UBND- ĐTMT ngày 12/11/2014 gửi Bộ trưởng Bộ GTVT về việc đề nghị điều chỉnh quy hoạch, di dời khu cảng Trường Thọ thuộc địa bàn Trường Thọ, Q.Thủ Đức. Ngày 24/12/2014 các ICD nhận được công văn của Bộ GTVT về việc di dời cụm cảng. Tiếp theo, ngày 27/1/2015, UBND TP HCM ban hành Công văn 434/UBND-ĐTMT với nội dung yêu cầu Sở GTVT TP HCM làm đầu mối phối hợp với các ban ngành lên kế hoạch di dời cụm ICD Trường Thọ trong hai năm 2015- 2016.
Các ICD được thành lập và hoạt động như một nơi thông quan cho hàng hóa XNK tại TP HCM. Cụm ICD Trường Thọ đã kết nối với tất cả các cảng biển thuộc khu vực TP HCM và BRVT. Hoạt động khai thác tại các cảng biển góp phần rẩt lớn giải tỏa ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển trong thời gian qua, đồng thời giúp giảm tắc nghẽn giao thông tại TP HCM vì phương tiện vận tải hàng hóa không phải đi ngang qua trung tâm TP (hầu hết hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy từ các cảng biển như Cát Lái, Hiệp Phước, các cảng thuộc khu vực Vũng Tàu về các ICD và ngược lại). Bên cạnh đó, giúp giảm giá thành sản phẩm hàng hóa và giảm ô nhiễm môi trường xung quanh, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các DN XNK VN.
Với xu thế hiện nay, khu vực cảng biển nước sâu hoạt động và phát triển hơn nữa, tiếp tục tạo điều kiện cho các DN XNK tiết kiệm chi phí chuyển tải khu vực châu Á từ 100- 200 USD và rút ngắn thời gian từ 1- 2 ngày, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các DN VN đối với các quốc gia khác. Bên cạnh đó cũng tạo sự thuận lợi trong việc luân chuyển hàng hóa xuất khẩu từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM… ra các cảng biển đã và đang góp phần giảm tải, tránh ách tắc cho các cảng biển nước sâu.
Cụm cảng ICD Trường Thọ với vị trí chiến lược nằm ở Đông Bắc TP, nằm gần các khu công nghiệp như: Bình Dương, Đồng Nai, khu vực kinh tế trọng điểm với đặc thù hàng hóa XNK thị phần chiếm 70% lượng các ICD để trung chuyển hàng đi các cảng biển.
Trong những năm qua, cụm cảng ICD nói chung và ICD Tanamexco nói riêng đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ cảng và dịch vụ XNK tạo điều kiện cho khách hàng khu vực các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh cao nguyên sử dụng dịch vụ giúp cho các DN tiết kiệm được chi phí vận tải. Đồng thời, thực hiện chức năng giảm tải và tránh ùn tắc cho các cảng biển. Đặc biệt hơn nữa là đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển hàng hóa sang cảng SPCT mà vừa qua UBND TP HCM hết sức quan tâm đầu tư nạo vét luồng Soài Rạp phục vụ cho việc khai thác cảng phía Nam TP (trên 90% hàng hóa đến và đi của cảng SPCT được luân chuyển từ cụm cảng ICD khu vực Trường Thọ trong đó, Tanamexco chiếm 35%).
Mặt khác, các ICD đã đầu tư rất nhiều công sức công sức và của cải với mong muốn mang lại công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn người lao động và đóng nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. Trong những năm qua cụm cảng ICD luôn hoàn thành vượt mức nghĩa vụ thuế của Nhà nước nắm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năng 2013, cụm cảng ICD khu vực 4 đóng góp ngân sách Nhà nước thông qua hoạt động thu thuế XNK của Chi Cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 4 là: 4.500 tỷ đồng, năm 2014 là 4.900 tỷ đồng.
Việc thực hiện chủ trương quy hoạch di dời cụm cảng nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ách tắc cho các cảng biển, đồng thời làm mất đi lợi thế cạnh tranh (chi phí, thời gian) của các DN XNK với các nước trong khu vực. Đặc biệt là ảnh hưởng tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh chính của các ICD và đời sống của cán bộ công nhân viên cũng như ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách khu vực TP HCM. Ngoài ra, việc lấy lý do không đảm bảo an toàn giao thông làm căn cứ quy hoạch di dời cụm cảng khu vực Trường Thọ của UBND TP và Bộ GTVT là chưa thuyết phục do hiện nay việc khai thác vận chuyển đường thủy kết nối các cụm cảng từ Thủ Đức tới các cảng biển vô cùng thuận lợi đảm bảo an toàn tuyệt đối (chưa xảy ra vụ mất an toàn nào).
Hiện nay, trên 70% hàng hóa, container được vận chuyển bằng đường thủy, góp phần giải quyết ách tắc giao thông đường bộ, đảm bảo chủ trương kiểm soát quá tải của Bộ GTVT mà vừa qua Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết liệt triển khai. Trong việc vận chuyển container bằng đường thủy, chi phí các DN có thể tiết kiệm được so với vận chuyển bằng đường bộ. Cụ thể, chi phí vận chuyển tuyến TP HCM - Vũng Tàu bằng đường bộ mất 6 triệu đồng/chuyến nhưng nếu vận chuyển bằng đường thủy, DN chỉ tốn khoảng 900.000 đồng, tức là tiết kiệm chi phí gần 7 lần.
Từ đó, cụm ICD Trường Thọ kiến nghị Bộ GTVT hai vấn đề: Thứ nhất, đề xuất được duy trì hoạt động theo quy hoạch đã được Bộ phê duyệt với lý do: Chiến lược đầu tư kinh doanh dài hạn, ảnh hưởng tới hoạt động XNK chung của khu vực TP HCM, công ăn việc làm và đời sống của hàng ngàn gia đình người lao động... Thứ hai, hỗ trợ DN xây dựng biện pháp quản lý an toàn bến cảng để việc khai thác vận tải thủy đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Amerasian Shipping Logistics Corp.
(+84)28 3512 9759
(+84)28 3512 9758
pricing@asl-corp.com.vn
mdirector@asl-corp.com.vn
www.asl-corp.com.vn